Multimedia Đọc Báo in

Điều chỉnh tăng giá điện: Thêm áp lực cho doanh nghiệp

14:01, 12/04/2019

Từ ngày 20-3-2019, Bộ Công thương đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, tăng 8,36% so với giá trước đó. Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo mức điều chỉnh giá điện mới, đối với các ngành sản xuất, giá bán lẻ điện cấp điện áp từ 110kV trở lên, trong giờ bình thường là 1.536 đồng/kWh, giờ thấp điểm: 970 đồng/kWh và giờ cao điểm: 2.759 đồng/kWh. Với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV, giá theo các khung giờ lần lượt là: 1.555 đồng/kWh, 1.007 đồng/kWh và 2.871 đồng/kWh. Cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22kV, giá theo các khung giờ là: 1.611 đồng/kWh, 1.044 đồng/kWh và 2.964 đồng/kWh.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Intimex Chi nhánh Buôn Ma Thuột.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Intimex Chi nhánh Buôn Ma Thuột.

Đối với những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, nhu cầu tiêu thụ lượng điện rất lớn, bởi vậy việc tăng giá điện sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng theo, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Cơ sở sản xuất thép V của Công ty TNHH Thương mại Sản xuất cơ khí Hoàng Nguyên (Cụm Công nghiệp Tân An 2) có công suất 300 tấn sản phẩm/tháng, lâu nay tiền điện phải trả hằng tháng khoảng 400 - 500 triệu đồng.  Sản xuất thép không thể sử dụng nguồn nhiên liệu nào khác thay thế ngoài điện, nên theo tính toán của đơn vị, khi giá điện tăng 8,36% thì giá thành sản xuất thép sẽ tăng khoảng 100.000 đồng/tấn. Do đó, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại hoạt động tổ chức sản xuất, giá bán cho phù hợp. Tuy nhiên, việc cân nhắc giá bán ở mức nào còn phải tùy thuộc vào nhu cầu thị trường chứ không thể theo ý muốn của doanh nghiệp được. Trước mắt, doanh nghiệp sản xuất với số lượng vừa phải rồi chờ… tính tiếp, về lâu dài sẽ phải đổi mới công nghệ, thiết bị tiêu hao ít năng lượng, tuy nhiên chi phí đầu tư rất lớn đang là bài toán khó của đơn vị.

Đối với nhà máy chế biến cà phê của Công ty Cổ phần Đầu tư Intimex chi nhánh Buôn Ma Thuột có công suất 34.500 tấn cà phê nhân/năm, chi phí tiền điện 70 – 100 triệu đồng/tháng. Giá điện mới sẽ khiến doanh nghiệp chịu thêm áp lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do chi phí sản xuất đầu vào tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng. Do không thể tăng giá sản phẩm, thời gian tới đơn vị sẽ tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm, tính toán tiết giảm các chi phí không cần thiết để giảm chi phí đầu vào sản xuất nhằm duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm cạnh tranh trên thị trường.

Cơ sở sản xuất thép V của Công ty TNHH Thương mại Sản xuất cơ khí Hoàng Nguyên.
Cơ sở sản xuất thép V của Công ty TNHH Thương mại Sản xuất cơ khí Hoàng Nguyên.

Áp dụng từ ngày 20-3, nhưng thông tin về giá điện mới được các doanh nghiệp nắm bắt từ trước đó nên họ cũng ít nhiều có sự chủ động thích ứng. Theo các doanh nghiệp, để giảm chí phí sản xuất thì sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm là giải pháp hàng đầu. Cụ thể, các đơn vị sẽ tính toán lại hệ thống chiếu sáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên; thay thế các loại máy móc sử dụng công nghệ cũ tiêu tốn nhiều năng lượng điện, tăng năng suất lao động và ưu tiên sắp xếp lại sản xuất theo khung giờ thấp điểm, đồng thời hướng tới sử dụng điện mặt trời và năng lượng sinh khối.

Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, đơn vị đang quản lý 533.188 khách hàng (466.097 khách hàng sinh hoạt, 67.091 khách hàng ngoài sinh hoạt). Trong ngày 20-3-2019, Công ty đã triển khai chốt chỉ số và nhắn tin thông báo đến khách hàng trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, ngành Điện đã thông báo giá bán điện mới và các văn bản liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Ngành Điện khuyến cáo các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng các biện pháp cải tiến công nghệ để giảm sử dụng nguồn điện. Theo tính toán, nếu doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện mặt trời thì có thể giảm được lượng điện tiêu thụ tới 40 - 50%.

 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.