Câu lạc bộ của những nữ doanh nhân
Được thành lập từ năm 2016, Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk là nơi tập hợp những phụ nữ trực tiếp tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương. Đây được xem như một “mái nhà chung” để họ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tương trợ nhau trong nghề nghiệp và chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Qua hơn 3 năm hoạt động, đến nay CLB đã thu hút 33 thành viên tham gia. Mục tiêu chính của CLB là định hướng cho các doanh nghiệp làm ăn có uy tín, cạnh tranh lành mạnh, tạo việc làm cho người lao động và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. Để duy trì được điều đó, hằng tháng, CLB đều tổ chức cho các thành viên sinh hoạt, cùng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh và tạo điều kiện giúp đỡ nhau.
Chị Nguyễn Thị Nhỏ, Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk (bên trái) thu mua bơ của người dân. |
Chị Bùi Thị Cường, chủ doanh nghiệp thu mua phế liệu, thành viên CLB tâm sự: Những năm đầu thành lập, doanh nghiệp của chị thường bị Chi cục Thuế huyện nhắc nhở về việc đóng thuế chậm. Nguyên nhân là do chị chưa hiểu rõ về cách thức, cũng như hình thức đóng thuế. Từ năm 2017, khi tham gia CLB Nữ doanh nghiệp, được Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên phối hợp lãnh đạo Chi cục Thuế, phòng, ban chức năng của huyện Krông Búk tập huấn, trò chuyện, giải đáp thắc mắc cho các thành viên. Nhờ đó chị đã hiểu rõ hơn về các khoản thuế và phí mà doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đóng để thực hiện đúng, đủ.
Còn với chị Huỳnh Thị Lệ Cúc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đức Hòa, trước đây thường thu mua nông sản trong vùng rồi nhập cho một số đại lý trong tỉnh. Năm 2016, khi tham gia CLB, chị được các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin trong kinh doanh mặt hàng nông sản. Chị Cúc đã tìm hiểu, liên hệ và ký hợp đồng bán hàng cho một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn ở TP. Hồ Chí Minh, không cần thông qua đại lý trung gian. Thậm chí có nhiều đơn hàng chị còn bán trực tiếp cho doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, thu nhập của công ty tăng lên 20 - 30% so với trước.
Hội viên CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk Phạm Thị Phúc (thứ hai từ phải sang) phát triển kinh tế với mô hình kinh doanh giống cây trồng. |
Các thành viên CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk thường xuyên hỗ trợ nhau về vốn, kinh nghiệm làm ăn, giới thiệu sản phẩm, mở rộng quan hệ hợp tác… nên hoạt động sản xuất kinh doanh của họ phát triển bền vững. Bình quân, mỗi mô hình kinh tế của các thành viên CLB thu lãi từ 300 - 600 triệu đồng/năm”.
Bà Võ Thị Hoa Hồng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Búk
|
Chị Nguyễn Thị Nhỏ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Diễm Minh (thôn 14, xã Pơng Drang), Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, nhiều thành viên CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Điển hình như trường hợp gia đình chị H’Ă Niê (hội viên chi hội phụ nữ buôn Ea Tuh, xã Pơng Drang) thuộc diện nghèo của xã do thiếu đất sản xuất. Mặc dù thành thạo nghề trang điểm và uốn tóc nữ, nhưng chị lại không có vốn làm ăn. Đầu năm 2018, các thành viên CLB Nữ doanh nghiệp huyện Krông Búk đã quyên góp 10 triệu đồng hỗ trợ chị H’Ă khởi nghiệp. Chị H’Ă tâm sự: “Nhờ được hỗ trợ vốn vay, tôi đã mở tiệm uốn sấy tóc và trang điểm tại nhà. Giờ đây, tôi có công việc mình yêu thích và nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.
Theo bà Võ Thị Hoa Hồng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Búk, CLB Nữ doanh nghiệp huyện đã thực sự là “ngôi nhà chung”, góp phần động viên, nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ trong huyện là doanh nhân phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo, nhạy bén với thị trường. Bằng những việc làm thiết thực, hoạt động của CLB đã gặt hái được nhiều thành công trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, các thành viên trong CLB còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động phổ thông với thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng; tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như: cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, hỗ trợ vốn giúp chị em nghèo phát triển kinh tế, tặng quà Tết hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc