Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk "hút" khách du lịch dịp nghỉ lễ

09:30, 02/05/2019

Năm nay, thời gian nghỉ lễ 30-4 và 1-5 khá dài, nhiều người đã chọn Đắk Lắk là điểm đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Tại các điểm du lịch như: Buôn Đôn, hồ Lắk, Kô Tam, Tro Bưh, Đồi Thông… lượng khách tham quan tăng mạnh.

Tranh thủ những ngày nghỉ lễ, anh Ngô Thành Sơn ở TP. Hồ Chí Minh cùng bạn bè và gia đình chọn Đắk Lắk là điểm đến trong chuyến du lịch lần này để khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc bản địa cũng như các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. Chia sẻ cảm nhận về chuyến hành trình thú vị này, anh Sơn cho hay: “Đến TP. Buôn Ma Thuột, tôi và các thành viên trong gia đình đã có những giây phút nghỉ dưỡng, tham quan đáng nhớ. Các cháu không chỉ được tìm hiểu, bổ sung vốn kiến thức về nhà sàn, các vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số, một số phong tục, tập quán mà còn được tham quan, trải nghiệm cách chăm sóc, thu hoạch ca cao và những loại nông sản đặc trưng của vùng đất này. Đấy chính là những trải nghiệm mà ở những nơi khác không có được…”.

Nhiều du khách lựa chọn chèo thuyền độc mộc tham quan hồ Lắk.
Nhiều du khách lựa chọn chèo thuyền độc mộc tham quan hồ Lắk.
 

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Đắk Lắk đón lượng du khách lớn, do vậy Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tăng cường công tác tuyên truyền tại các điểm du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn, đơn vị kinh doanh các dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn, niêm yết công khai giá cả dịch vụ hàng hóa và cam kết không tăng giá cước… nhằm phục vụ tốt nhất người dân và du khách trong dịp nghỉ lễ…”.

 
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Có mặt tại Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), ông Nguyễn Viết Hải – du khách đến từ TP. Vũng Tàu bày tỏ: “Nhân dịp nghỉ lễ, tôi đưa anh em, gia đình lên Đắk Lắk tham quan. Khí hậu ở đây rất mát mẻ, lại có nhiều cảnh đẹp, không gian thoáng mát, đặc biệt Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam được xây dựng với nhiều nét văn hóa độc đáo của Tây Nguyên khá thú vị. Chúng tôi rất hài lòng về chuyến đi này…”.  Không riêng gia đình ông Hải, trong đợt nghỉ lễ này, lượng du khách đến với Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đón du khách đến tham quan trong dịp nghỉ lễ này, Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam đã chỉnh trang lại khuôn viên, cắt tỉa cây, tạo không gian thoáng mát, bố trí nhiều loại hoa... và chủ động đủ nguồn thực phẩm an toàn phục vụ du khách.

Đến với Đắk Lắk ngoài tham quan các danh lam thắng cảnh của Tây Nguyên thì thưởng thức cà phê Buôn Ma Thuột cũng là sở thích của nhiều du khách. Theo các chủ quán cà phê, trong những ngày nghỉ lễ lượng khách đến thưởng thức cà phê tăng gấp đôi so với ngày thường. Những quán có không gian thoáng mát, thiết kế đẹp, cà phê nguyên chất thu hút khá đông người đến thưởng thức.

Du khách tham quan Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.
Du khách tham quan Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, du khách đến từ tỉnh Bình Dương cho biết, đã nhiều lần đến TP. Buôn Ma Thuột và lần nào gia đình chị cũng không thể bỏ qua  việc thưởng thức ly cà phê nguyên chất, đặc sánh đặc trưng của vùng đất này. “Hương vị đặc trưng của ly cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng như sự nhiệt tình, thân thiện của con người nơi đây là những lý do khiến tôi thêm yêu mảnh đất bazan này. Không khí trong lành cùng những nét văn hóa truyền thống độc đáo và những món ăn đậm đà dân dã, nhiều hương vị… cũng là những “đặc sản” thu hút gia đình tôi đến Đắk Lắk trong dịp nghỉ lễ lần này” – chị Trang chia sẻ.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.