Multimedia Đọc Báo in

Giá nông sản giảm: Nông dân khó "xoay" vốn sản xuất

08:48, 21/05/2019

Niên vụ 2018 - 2019 tiếp tục là niên vụ buồn với người nông dân khi giá hồ tiêu, cà phê ở mức thấp kỷ lục khiến đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn cũng như tìm vốn để đầu tư sản xuất cho vụ sau.

Vừa bán hơn 1 tấn tiêu được 43 triệu đồng, nhưng số tiền trên anh Y Chung Niê (buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) đã phải dùng để trả nợ gần hết. Anh Y Chung cho hay, do không có tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ… đầu tư cho vườn cây nên đã mua nợ đại lý từ đầu vụ, đến cuối vụ thu hoạch thì bán trả nợ. Nhà Y Chung có 7 sào đất, trước đây chỉ trồng cà phê. Năm 2012, anh trồng thêm hồ tiêu với mong muốn kiếm thêm thu nhập.

Thời điểm ấy, hồ tiêu đang “sốt” (từ 150-180 nghìn đồng/kg tiêu khô) khiến anh rất ham. Nhà có bao nhiêu tiền, anh đều dồn vào việc mua trụ, giống trồng tiêu. “Ngốn” hết tiền trong nhà, anh lại đi vay mượn thêm để chăm sóc. Thế nhưng đến khi thu hoạch cũng là lúc hồ tiêu xuống giá khiến anh chưa kịp lấy lại vốn đầu tư. Anh muốn mua thêm giống bơ, sầu riêng ghép… về trồng nhưng nợ cũ chưa trả hết, chẳng ai cho vay thêm. Giờ tiền mua phân, thuốc xịt vườn tiêu, cà phê cũng không có phải đi ứng nợ theo kiểu “ăn trước trả sau” đắp đổi qua ngày như trước đây.

Vườn cà phê nhà chị H’ Mê Êban (buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) đã già cỗi nhưng chưa có vốn tái canh.
Vườn cà phê nhà chị H’ Mê Êban (buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) đã già cỗi nhưng chưa có vốn tái canh.

Tương tự, nhà chị H’Mê Êban (buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) cũng đang loay hoay tìm vốn tái canh vườn cà phê già cỗi. Chị H’Mê cho biết, hiện nhà có 4 sào cà phê trồng trên 20 năm, năng suất rất thấp. Vụ vừa rồi chị hái được 6 tạ, bán giá 33 nghìn đồng/kg được gần 20 triệu đồng. Số tiền này chỉ mới đủ trả tiền ứng đầu tư cho vụ trước chứ không còn tiền để tái canh vườn cà phê.

Theo chị H’ Mê, mặc dù có biết đến nguồn vốn tái canh cà phê của Nhà nước nhưng không vay được do đã trồng xen bơ, sầu riêng… vào vườn cà phê. Muốn vay được nguồn vốn này, chị phải chặt bỏ hết các cây trồng trên, bỏ đất trống 3 năm… Nếu vậy nhà chị sẽ không có bất kỳ nguồn thu nhập nào trong thời gian tái canh (mất ít nhất từ 4 - 5 năm), cả nhà sẽ đói. Nên chị không vay vốn tái canh cà phê mà thế chấp nhà, đất đai vay vốn thương mại đầu tư vào sầu riêng, bơ… để tạo thu nhập; còn việc trồng lại cà phê chị chưa nghĩ đến.

Ông Phạm Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho hay, toàn xã có hơn 3.800 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cà phê. Phần lớn diện tích cà phê đã già cỗi (trồng từ những năm 1986) cho năng suất thấp, chỉ đạt 2,4-2,7 tấn/ha. Năng suất thấp cộng thêm giá bán giảm trong khi chi phí đầu tư lớn đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đáng nói, hơn một nửa vốn đầu tư người dân phải đi vay ngoài với lãi suất cao.

Trong khi đó, hiện trên địa bàn xã đang có 2 nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ gồm: vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng chỉ hỗ trợ cho một nhóm đối tượng trong phạm vi hẹp là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách; còn nguồn vốn tái canh cà phê của ngân hàng thương mại thì quy trình thực hiện giải ngân quá chặt như: phải có tài sản thế chấp, đất tái canh phải được cải tạo 2 - 3 năm, không được trồng xen cây khác, giải ngân vốn nhiều đợt theo từng giai đoạn… rất phức tạp nên đến nay chưa có hộ dân nào trong xã tiếp cận được. Do vậy, ông Hà mong muốn cần có cơ chế “mở”, có sự thống nhất giữa người dân và bên cung cấp vốn (ngân hàng) làm sao người dân được sử dụng nguồn vốn tái canh ngay từ đầu để chủ động lên phương án sản xuất...

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.