Multimedia Đọc Báo in

Những dự án "bừng sáng" vùng biên

08:29, 01/05/2019

Với chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đắk Lắk đang trở thành điểm đến của nhiều dự án năng lượng tái tạo. Trong đó đã có dự án đi vào khai thác, bước đầu khẳng định tính hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là ở vùng biên giới.

Tháng 3-2019, cụm công trình điện mặt trời Sêrêpôk1 - Quang Minh rộng 120 ha, công suất 100 MWp do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải và Công ty Cổ phần Điện mặt trời Srêpốk đầu tư ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) đã chính thức cắt băng khánh thành (sau 6 tháng khởi công), khơi nguồn năng lượng mặt trời trên vùng đất khó. Đây được xem là hướng đầu tư đúng đắn đối với vùng đất khô cằn, nắng cháy như Buôn Đôn.

Với nguồn vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, đây là dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất cả nước hiện nay đã phát điện; được quản lý, tổ chức thực hiện, thiết kế và thi công xây dựng hoàn toàn bởi các đơn vị trong nước. Dự án được lắp đặt thiết bị hiện đại, hoàn toàn tự động hóa. Theo tính toán của doanh nghiệp, khi cả Sêrêpôk 1 và Quang Minh cùng phát điện, mỗi năm sẽ cung cấp cho lưới điện Quốc gia khoảng 150 triệu kWh, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng, nộp ngân sách cho địa phương 30 tỷ đồng/năm. Dự án đã góp phần giải bài toán kinh tế cho vùng đất tuy khô cằn, nhưng lại giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo như Buôn Đôn.

Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1 đã hoàn thành 90% dự án, dự kiến vận hành thương mại vào tháng 6-2019.
Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1 đã hoàn thành 90% dự án, dự kiến vận hành thương mại vào tháng 6-2019.

Còn Dự án Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1 với công suất 50 MWp, tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư Long Thành Đắk Lắk làm chủ đầu tư sẽ chính thức vận hành thương mại vào tháng 6-2019. Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm về năng lượng mặt trời của tỉnh, được đầu tư xây dựng trên diện tích 60 ha tại xã Ia Lốp, hứa hẹn sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biên Ea Súp. Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu tư Long Thành Đắk Lắk cho biết, việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để sản xuất ra năng lượng sạch, không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí…) của các dự án điện năng lượng mặt trời mà đơn vị đang đầu tư xây dựng là phù hợp định hướng phát triển nguồn điện của Chính phủ và Bộ Công thương, góp phần tăng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện Quốc gia, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ môi trường và cắt giảm phát thải. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng biên giới Ea Súp nói riêng.

Công tác lắp đặt, đấu nối tại Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Công tác lắp đặt, đấu nối tại Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Được đánh giá là một trong những dự án năng lượng mặt trời “khủng” nhất của cả nước, cụm công trình điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp với tổng công suất 720 MWp, tổng vốn khoảng trên 10.500 tỷ đồng do Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk làm chủ đầu tư đang chuẩn bị triển khai xây dựng tại địa bàn xã Ia Lốp. Hiện dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị công tác đầu tư, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6-2019, đến quý II năm 2021 chính thức vận hành khai thác. Đây cũng là dự án được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế đột phá cho vùng biên Ea Súp. 

Trong số 32 dự án điện mặt trời của toàn tỉnh (đã có chủ trương đầu tư, đang trình Bộ Công thương) có 19 dự án đầu tư ở Buôn Đôn và Ea Súp. Việc triển khai các dự án điện mặt trời sẽ khai thác tiềm năng của địa phương, nhất là về giá trị của đất đai được khai thác tốt hơn, thúc đẩy tuyến du lịch vùng biên, đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch công nghiệp năng lượng từ thủy điện sang năng lượng tái tạo thân thiện môi trường.

Ngọc Khuê


Ý kiến bạn đọc