Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình xen canh hiệu quả ở xã Dliê Ya

08:31, 01/05/2019

Tuổi trẻ xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) - vùng căn cứ cách mạng H4 năm xưa  đã và đang tiếp bước thế hệ cha anh, ra sức thi đua phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần tô thắm truyền thống cách mạng trên mảnh đất anh hùng.

Toàn xã Dliê Ya có khoảng 1.000 đoàn viên, thanh niên, sinh hoạt tại 24 chi đoàn thôn, buôn, trường học. Thời gian qua, do không có việc làm ổn định nên nhiều thanh niên đã rời quê đi lao động ở các khu công nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động Đoàn.

Anh Phạm Công Huân chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Anh Phạm Công Huân chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Khắc phục khó khăn này, Đoàn xã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế nên đã tăng cường tuyên truyền, định hướng cho thanh niên những tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp... Từ đó, nhiều đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính quê hương.

Anh Phan Thanh Sơn với mô hình trồng xen cây bơ trong vườn cà phê.
Anh Phan Thanh Sơn với mô hình trồng xen cây bơ trong vườn cà phê.
 

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo Đoàn xã tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho thanh niên phát triển kinh tế; tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên được học tập những mô hình làm ăn mới, hiệu quả có thể áp dụng tại địa phương; gắn bó, gần gũi, kịp thời chia sẻ, động viên để các bạn trẻ từng bước xây dựng các mô hình kinh tế, góp sức trẻ làm giàu cho quê hương”.

 
 
Chủ tịch UBND xã Dliê Ya Y Téo Niê

Đoàn viên Phạm Công Huân (SN 1985, Bí thư Chi đoàn thôn Ea Bi) là một trong những thanh niên có mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Rời quê hương Hà Tĩnh vào Dliê Ya lập nghiệp từ năm 2009, ban đầu gia đình anh trồng độc canh cây cà phê nên chủ yếu “lấy công làm lời”. Những năm gần đây, cây cà phê ngày càng già cỗi nên năng suất kém.

Trong một lần xem tivi, anh Huân thấy mô hình kinh tế trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng một đơn vị diện tích cho thu nhập cao hơn nên đã nghiên cứu và mạnh dạn trồng thử nghiệm một số loại cây. Đến nay gia đình anh có 2 ha cà phê trồng xen 300 cây chanh dây, 200 cây bơ, 100 cây sầu riêng, 1.000 trụ tiêu, thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng/năm. Anh Huân cho biết: “Từ khi triển khai trồng xen canh nhiều loại cây, dù giá cà phê không ổn định nhưng gia đình vẫn có nguồn thu nhập vì mất nguồn thu này sẽ có nguồn thu khác”.

Tương tự, với khát vọng và ý chí của tuổi trẻ, tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Phan Thanh Sơn (SN 1985, buôn Dliê Ya A) đã vươn lên làm giàu ngay trên đồng ruộng. Do điều kiện gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh không thể theo đuổi ước mơ giảng đường đại học mà quyết định đến Dliê Ya lập nghiệp. Trên quê hương mới, anh cần mẫn đi làm thuê cuốc mướn, dành dụm tiền bạc mua đất để phát triển kinh tế. Hiện nay, anh có khoảng 1 ha đất trồng cà phê xen canh nhiều loại cây khác như: tiêu, chanh dây, bơ và sầu riêng. Anh Sơn chia sẻ: "Lúc đầu thực hiện mô hình này mình cũng lưỡng lự vì vốn đầu tư lớn, nhưng trồng thuần cà phê thì chỉ dừng ở mức đủ ăn, không có dư. Trồng xen canh các loại cây không chỉ có tác dụng che nắng, chắn gió, hạn chế được lượng nước tưới, chống khô hạn cho cây trồng chính mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình được khoảng 100 triệu đồng/năm”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.