Vi phạm kinh doanh xăng dầu: "Nóng" vấn đề chất lượng (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Những bất cập từ kiểm tra, kiểm soát
Xăng không đạt chất lượng về trị số octan - đại lượng đặc trưng cho khả năng chống kích nổ của xăng - tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho động cơ, có thể gây cháy, nổ xe... vẫn được bày bán tràn lan. Trong khi đó , công tác quản lý nhà nước, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát theo quy định trên thực tế đối với lĩnh vực này còn nhiều bất cập.
Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân phân phối xăng dầu mua hàng theo hợp đồng mua bán với một doanh nghiệp đầu mối để giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa. Quy định này cũng xác định trách nhiệm của thương nhân đầu mối, tổng đại lý đối với số lượng và chất lượng xăng dầu của hệ thống do mình cung cấp.
Trao đổi về vấn đề này, theo ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Công ty là thương nhân đầu mối của 51 doanh nghiệp thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu và 44 cửa hàng xăng dầu trực thuộc. Công ty cam kết xăng dầu do mình cung cấp bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng này; quy trình nhập hàng được kiểm soát chặt chẽ, có lấy mẫu và lưu mẫu thử.
Từ sau quá trình giao - nhận hàng thì thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với chất lượng xăng dầu do mình bán ra trên thị trường; Công ty không thể kiểm tra và cũng không kiểm soát được việc thương nhân nhận quyền bán lẻ còn nhập xăng dầu từ nguồn nào khác nữa không. Riêng đối với 44 cửa hàng trực thuộc thì đơn vị áp dụng quy trình kiểm soát nội bộ, kiểm tra chất lượng đầu vào của xăng dầu thường xuyên lẫn đột xuất nhằm bảo đảm an toàn cho phương tiện sử dụng.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy phép kinh doanh xăng dầu của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Như vậy với quy trình, quy định này thì về phía doanh nghiệp đầu mối cũng có “nỗi khổ” riêng bởi sau khi giao - nhận, nếu các cửa hàng thương nhân nhượng quyền bán lẻ còn nhập từ một nguồn nào khác, doanh nghiệp cũng không có quyền kiểm soát. Khi cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng bán xăng dầu kém chất lượng, việc truy xuất nguồn gốc vi phạm trong trường hợp thông tin không rõ ràng cũng rất dễ gây “tiếng oan” cho doanh nghiệp đầu mối.
Trong khi đó, nói về vai trò của cơ quan quản lý ở lĩnh vực này, ông Nguyễn Đào Chí, cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh khẳng định, việc kiểm tra, kiểm soát xăng dầu vẫn được thực hiện thường xuyên, không phải đợi đến khi có sự cố thì mới vào cuộc. Ngoài kiểm tra thường xuyên, Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng như Cục Quản lý thị trường tỉnh còn kiểm tra đột xuất để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, bán xăng kém chất lượng ra thị trường.
Tuy nhiên, việc kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường tỉnh hiện nay cũng không hề dễ dàng. Trên thực tế, gian lận về chất lượng xăng dầu không thể phát hiện sơ bộ bằng mắt thường và các phương pháp thử thủ công mà cần phải có sự hỗ trợ đặc biệt từ máy móc. Do đó, ngoài việc trinh sát, nắm bắt tình hình thì đòi hỏi phải có phương tiện, thiết bị hỗ trợ đi kèm và cán bộ chuyên môn về lấy mẫu xăng dầu để phục vụ có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát. Tỉnh hiện chưa có Trạm kiểm định chất lượng nên phải gửi mẫu đi thử nghiệm. Quy trình từ lấy mẫu, gửi đi thử nghiệm cho đến khi có kết quả đã mất vài ngày, chừng đó thời gian đủ để cho lượng xăng dầu nếu có vi phạm cũng đã kịp bán ra thị trường. Thành ra, hầu hết các vụ vi phạm khi phát hiện được, cơ quan quản lý chỉ căn cứ vào lượng tiêu thụ để xử phạt hành chính.
Rõ ràng khi chưa có những giải pháp để khắc phục những bất cập, khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu thì công tác đẩy mạnh tuyên truyền về quy định của pháp luật trong hoạt động này đến để cơ sở kinh doanh là việc làm cần được thực hiện thường xuyên. Song song với đó là tổ chức cho các cơ sở ký cam kết không kinh doanh xăng dầu lậu, kém chất lượng, vi phạm về đo lường và giá bán lẻ. Thêm nữa, không chỉ dừng lại ở những bản cam kết chung chung, mà cần có chế tài xử phạt cụ thể khi vi phạm cam kết, đơn cử như công bố rộng rãi, công khai tên, điạ chỉ cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng; đồng thời, mạnh tay hơn nữa đối với những doanh nghiệp, đơn vị cố tình tái phạm…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc