Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng

08:57, 09/05/2019
Năm 1998, ông Vũ Thế Hùng đưa gia đình từ quê Nam Định vào sinh sống và phát triển kinh tế tại thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar).
 
Với số tiền tích lũy được từ quê nhà rồi vay mượn thêm, ông mua 3 sào đất dựng nhà ở tạm và lấy đất trồng trọt. Từ diện tích đất đó, vợ chồng ông vừa đi làm thuê vừa tranh thủ thời gian khai hoang mỗi năm một ít để mở rộng đất canh tác.
 
Ban đầu ông lựa chọn cây điều làm cây trồng chính, nhưng sau nhiều năm thu hoạch, diện tích điều đã già cỗi cho năng suất thấp, ông Hùng quyết định chặt bỏ vườn điều, cải tạo lại 3 ha đất để chuyển đổi sang trồng cà phê xen tiêu. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn cà phê xen tiêu của gia đình phát triển tốt, nhiều năm cho năng suất cao. Không dừng lại ở đó, lợi nhuận thu được ông lại tích cực mở rộng diện tích canh tác của gia đình.

Với ý chí làm giàu và không ngừng học hỏi, ông Hùng đã nghiên cứu, tìm hiểu nhiều mô hình cây ăn trái ở địa phương. Năm 2017, ông mạnh dạn trồng thêm 4 ha xoài Đài Loan, xoài Úc; 2 ha táo xanh; 2 ha chanh không hạt; cùng 4 ha cây hoa màu ngắn ngày. Theo ông Hùng, do diện tích đất lớn và trồng nhiều loại cây nên khó khăn trong việc chăm sóc. Mỗi loại cây cần có cách chăm sóc riêng biệt, phải chú trọng đảm bảo cung cấp đầy đủ nước tưới cho từng loại cây, bón phân đúng thời điểm, đồng thời phải thường xuyên quan sát, phát hiện sâu bệnh để xử lý kịp thời, tránh lây lan ra cả vườn.

Ông Vũ Thế Hùng trong vườn cây ăn trái của gia đình.
Ông Vũ Thế Hùng trong vườn cây ăn trái của gia đình.

Ngoài canh tác các loại cây trồng, gia đình ông còn đầu tư làm ao cá nhân tạo bằng bạt lót để nuôi cá trắm, cá mè (chủ yếu phục vụ gia đình) và dùng làm nơi chứa nước vào mùa khô để tưới tiêu cho cây trồng. Cùng với đó, ông còn kinh doanh vườn ươm cây giống rộng 500 m2 và mở cơ sở làm tinh bột nghệ tại nhà. Với mô hình kinh tế tổng hợp của mình, sau khi trừ hết chi phí ông thu lãi 400-500 triệu đồng/năm. Dự kiến khoảng 2 năm tới, khi mô hình của gia đình phát triển ổn định, vườn cây ăn trái cho thu hoạch sẽ mang lại thu nhập cao và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương.

Từ hai bàn tay trắng lúc khởi nghiệp, hiện tại gia đình ông đã có 20 ha đất nông nghiệp, trong đó có 15 ha đã trồng cà phê, tiêu, hoa màu và cây ăn trái. Với 5 ha đất để trống, ông đang lập kế hoạch hợp sức cùng các hộ dân trong vùng thành lập hợp tác xã nuôi bò vỗ béo ứng dụng công nghệ cao của Úc, với tổng diện tích 30 ha. Hợp tác xã nuôi bò đang hoàn thành hồ sơ và sẽ xây dựng trang trại trong thời gian tới và được một đơn vị tại Hà Nội hỗ trợ hoàn toàn hệ thống máy móc, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. 
 
Phương Thảo
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.