Khai thác, sử dụng hồ thủy lợi thôn Đoàn (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp): Cần bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp
Hồ thủy lợi thôn Đoàn, xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) có diện tích khoảng 30 ha, do Công ty TNHH Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý, phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta cây trồng trong vùng.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, từ năm 2016, Công ty Ca cao Intercontinental Coporation (CIC) đến thuê đất để triển khai dự án trồng cây ca cao trên địa bàn đã "độc chiếm" luôn hồ thủy lợi này. Công ty này đã phá bỏ đường mòn đi vào hồ, rào chắn và ngăn cản người dân lấy nước tưới, chăn thả trâu, bò gần khu vực hồ. Để khai thác triệt để nguồn nước từ hồ thủy lợi thôn Đoàn, Công ty CIC còn đào đắp một hồ trung chuyển lót bạt nilon rồi hút nước trong hồ thủy lợi về dự trữ. Vì vậy, khoảng 3 năm nay, cây trồng của một số hộ dân trong vùng không còn nguồn nước tưới, ảnh hưởng đến quyền lợi chung trong việc sử dụng nước tại hồ thủy lợi này.
Ông Trần Thới Thủy, người dân thôn Đoàn phản ánh: Gia đình ông có 2 ha điều, trước đây vẫn sử dụng nguồn nước ở hồ thủy lợi thôn Đoàn để tưới trong mùa khô. Đầu mùa mưa năm 2017, ông xuống giống 300 cây xoài trong vườn điều. Khi bước sang mùa khô năm 2018, Công ty CIC đã sử dụng máy bơm hút cạn nước ở hồ thủy lợi thôn Đoàn để tích trữ trong hồ trung chuyển của họ. Do không có nước tưới nên trên 200 cây xoài đang ra lá non của gia đình ông bị chết khô, hiện chỉ còn khoảng gần 80 cây sống sót. Do thiếu nước tưới nên năng suất quả của vườn điều cũng giảm khoảng 30 - 40% so với những năm trước.
Lối mòn đi vào hồ thủy lợi bị Công ty CIC rào chắn bằng dây kẽm gai. |
Không chỉ bao chiếm hồ thủy lợi thôn Đoàn, Công ty CIC còn cho khoan hàng chục giếng nước khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch nước ngầm trong vùng. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (người dân thôn Trung, xã Ia Lốp) bức xúc: "Vào mùa khô, các giếng khoan này hoạt động hết công suất khiến hàng loạt giếng đào của người dân trong vùng đều bị cạn khô. Để có nước sinh hoạt, nhiều người phải thuê dịch vụ khoan giếng sâu cả trăm mét mới có nước. Điều này trước đây chưa từng xảy ra".
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lốp xác nhận: Những năm trước, nhiều người dân trong xã vẫn sử dụng nước hồ thủy lợi thôn Đoàn để bơm tưới cho cây trồng. Sau khi Công ty CIC về đầu tư dự án trồng ca cao thì gần đây cũng có nghe người dân phản ánh là phía đơn vị này ngăn cản không cho người dân sử dụng và hút cạn nước của hồ thủy lợi dẫn đến nhiều diện tích đất bị bỏ hoang. Khoảng 3 năm nay, nhiều giếng đào của người dân trong xã bị cạn nước vào mùa khô là có thật. Chính quyền địa phương đã nhiều lần trao đổi với đại diện Công ty CIC nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết.
Để tìm câu trả lời thỏa đáng cho những bức xúc của người dân, phóng viên đã nhiều lần liên hệ làm việc nhưng lãnh đạo Công ty CIC đều báo bận, chỉ cử một kỹ thuật viên cơ sở làm việc với chúng tôi. Người này chỉ cung cấp thông tin ngắn gọn: "Hiện tại công ty đã khoan 22 giếng, đường kính ống 140 mm, độ sâu mỗi giếng khoảng 70 m, tất cả đều được cấp phép. Còn những nội dung khác thì phải làm việc với lãnh đạo công ty!".
Người dân xã Ia Lốp phản ánh vào mùa khô, nhiều diện tích đất gần hồ thủy lợi thôn Đoàn bị bỏ hoang vì thiếu nước tưới. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chánh Văn phòng UBND huyện Ea Súp khẳng định: Qua kiểm tra thì từ trước đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chưa cấp phép cho một tổ chức, cá nhân nào thực hiện việc khoan giếng trên địa bàn. Còn về thông tin Công ty CIC “độc chiếm” hồ thủy lợi thôn Đoàn, không cho người dân sử dụng nước thì UBND xã Ia Lốp chưa báo cáo nên UBND huyện chưa nắm rõ tình hình để có hướng chỉ đạo xử lý.
Rõ ràng, việc khai thác, sử dụng nguồn nước thủy lợi và mạch nước ngầm để phục vụ cho tưới tiêu trong điều kiện thời tiết khô hạn là nhu cầu chính đáng, song điều quan trọng là phải bảo đảm được hài hòa lợi ích chung cho tất cả các bên sử dụng nguồn nước. Việc Công ty CIC “độc chiếm” hồ thủy lợi thôn Đoàn khiến người dân không có nguồn nước tưới cho cây trồng đang khiến cho người dân địa phương vô cùng bức xúc. Vấn đề này cần sớm được các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Ea Súp kiểm tra cụ thể và có giải pháp xử lý nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.
Thanh Huyền
Ý kiến bạn đọc