Multimedia Đọc Báo in

Trồng chanh dây hiệu quả: Kinh nghiệm từ nông dân huyện Ea H'leo

08:40, 27/06/2019

Tại một số địa phương, người dân bỏ các loại cây lâu năm để ồ ạt trồng chanh dây và phải chịu cảnh thua lỗ do sản phẩm quá nhiều, thị trường không tiêu thụ hết. Trong khi đó, nông dân huyện Ea H’leo vẫn có được hiệu quả kinh tế cao từ loại cây trồng này nhờ cách làm hợp lý.

Những năm gần đây, một số loại cây trồng chủ lực của huyện Ea H’leo như tiêu, cà phê… liên tiếp bị dịch bệnh, giá cả xuống thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân. Trước tình hình đó, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã đưa vào trồng cây chanh dây như một giải pháp cứu cánh. Tuy nhiên, họ không chặt bỏ các loại cây truyền thống mà trồng chanh dây theo hình thức xen canh trong vườn cây. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Tri (thôn 1, xã Ea Ral) trồng xen chanh dây trong vườn cà phê, sầu riêng, diện tích gần 1 ha từ cuối năm 2018.

Ông Tri cho biết, chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta chanh dây khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 20 triệu đồng. Trồng cây này kỹ thuật rất đơn giản, không phải chăm bón nhiều vì cây có sức đề kháng tốt, sinh trưởng mạnh, ít nhiễm các loại bệnh và không cần nhiều phân bón. Hiện, vườn chanh dây của ông đang trong giai đoạn thu hoạch, lúc chín rộ thì ngày nào cũng hái, bình thường khoảng 2 – 3 ngày hái một lần, sản lượng mỗi lần hái khoảng 1 tạ. Chanh dây được bán lẻ tại vườn hoặc nhập cho thương lái địa phương, giá cao nhất 30.000 đồng/kg, thấp nhất 10.000 đồng/kg, tính ra vụ chanh dây này, ông Tri thu lời khoảng 70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tri (bên trái)  kiểm tra  vườn chanh dây trồng xen  của gia đình.
Ông Nguyễn Tri (bên trái) kiểm tra vườn chanh dây trồng xen của gia đình.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ral cho biết, thực tế cho thấy, cây chanh dây phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương. Trên địa bàn xã có khoảng 100 ha chanh dây trồng xen. Tuy thị trường tiêu thụ không ổn định, nhưng cây này vẫn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đặc biệt ở thời điểm này, các loại cây công nghiệp dài ngày đang trong giai đoạn chăm sóc, thu nhập từ chanh dây giúp người dân có tiền đầu tư phân bón cho cà phê, tiêu theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”.

Khác với nhiều nông dân khác, anh Võ Trí (thôn 11, xã Ea Wy) lại chọn cách làm khác cho cây chanh dây khi trồng thuần với diện tích 3 ha. Trồng với quy mô lớn nhưng anh không phải lo đầu ra sản phẩm vì được một doanh nghiệp tại Gia Lai hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng với giá 30.000 đồng – 40.000 đồng/kg để xuất sang thị trường Châu Âu. Bên cạnh đó, anh được hỗ trợ về quy trình kỹ thật chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, có sự giám sát thường xuyên của đơn vị thu mua.

Sản phẩm được bao tiêu phải đạt trọng lượng, kích thước tiêu chuẩn 13 quả/kg, vỏ cứng, ngọt và không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Thông thường, 70% sản lượng chanh dây của anh đạt yêu cầu này, số còn lại được bán cho thương lái với giá rẻ hơn. Với 3 lứa thu hoạch mỗi vụ, vườn chanh dây của anh đạt sản lượng 35 tấn, cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Về kinh nghiệm trồng chanh dây, anh Trí cho biết, cây được trồng theo khoảng cách 4x4 mét, vườn phải luôn thông thoáng, nên trồng trên ụ nổi thay vì đào bồn để cây không bị ứ nước và không nên để cây lưu niên mà trồng mới hằng năm để bảo đảm năng suất, chất lượng quả.

Vườn chanh dây của anh Võ Tri (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo).
Vườn chanh dây của anh Võ Tri (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo).

Theo đánh giá của Phòng NN-PTNN huyện Ea H’leo, trong tình hình thời tiết diễn biến thất thường, nông dân đưa chanh dây trồng xen vào các vườn cây đã mở ra hướng mới trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp với từng vùng đất. Hiện toàn huyện có khoảng 300 ha chanh dây được trồng rải rác tại hầu hết các xã, thị trấn, bình quân 20 – 30 ha/xã. Nếu tuân thủ quy trình kỹ thuật, sau khi trồng khoảng 4 - 5 tháng, chanh cho thu hoạch, đạt năng suất từ 100-120 trái/cây. Tuy nhiên, bà con nên trồng chanh dây theo phương pháp hữu cơ để quả có chất lượng thơm, ngon, mẫu mã đẹp, bảo đảm tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Do cây chanh dây chưa có trong danh mục cây trồng chính của địa phương, nên ngành Nông nghiệp huyện Ea H’leo khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích và nên liên kết lâu dài với các doanh nghiệp để trồng chanh dây nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.