Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh điều chỉnh phụ tải để giảm áp lực cho hệ thống điện

09:07, 02/07/2019

Trong điều kiện tốc độ phát triển nguồn điện chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng phụ tải, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT về Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (gọi tắt là Chương trình DR) với mục tiêu giảm được ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, tương ứng 90 MW vào năm 2020, 300 MW vào năm 2025 và 600 MW vào năm 2030. Đây được coi là giải pháp quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 và các năm tiếp theo của ngành Điện.

Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, diễn biến thời tiết những năm trở lại đây trên địa bàn không mấy thuận lợi làm cho tình trạng tiêu thụ điện nhiều hơn. Nhất là vào tháng cao điểm của mùa khô (tháng 3 và 4), nắng nóng kéo dài cộng với nhu cầu sử dụng điện đồng loạt để phục vụ bơm tưới của người dân tăng đột biến đã gây ra tình trạng quá tải cục bộ tại một số trạm biến áp. Thậm chí, có thời điểm tăng gấp gần 2 lần so với bình thường.

Ngành điện địa phương kiểm tra hệ thống lưới điện tại huyện Ea Kar.
Ngành điện địa phương kiểm tra hệ thống lưới điện tại huyện Ea Kar.

Trước áp lực rất lớn của nhu cầu sử dụng điện, bắt đầu từ tháng 3-2019, Công ty Điện lực Đắk Lắk thực hiện Chương trình DR. Chương trình được triển khai nhằm mục đích khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện theo các tín hiệu về giá bán điện hoặc các cơ chế khuyến khích khi có yêu cầu của ngành Điện, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải hoặc cần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Mục tiêu đặt ra trong năm 2019 là sẽ thực hiện tiết giảm đến 10% công suất đỉnh của năm 2018, tương ứng 38,3 MW.

Cụ thể, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động và khuyến khích khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt tự nguyện tham gia Chương trình DR nhằm chia sẻ khó khăn với ngành Điện. Ở chiều ngược lại, tham gia chương trình, khách hàng sẽ được tạo điều kiện tối đa như hỗ trợ tư vấn, kiểm toán năng lượng; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; nằm trong danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện; rút ngắn thời gian xử lý sự cố điện… Tính đến nay, đơn vị đã mời 234 khách hàng là doanh nghiệp tự nguyện tham gia, với tổng công suất tiết giảm thỏa thuận là 41 MW.

Công ty TNHH Cao Lâm Phát (Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện Chương trình DR trên địa bàn. Là doanh nghiệp chuyên sơ chế gỗ cao su, sản lượng điện tiêu thụ tại doanh nghiệp mỗi tháng ở mức 30.000 kWh. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cho hay, tháng 4-2019, thực hiện Chương trình DR, với 4 tổ máy đang hoạt động, Công ty nghiên cứu bố trí lại thời gian chạy các tổ máy và tránh chạy trong giờ cao điểm. Thay vào đó sẽ luân phiên hoán đổi từ ca chiều sang ca làm đêm một cách hợp lý hơn. Giải pháp trên được Công ty áp dụng và đã giảm được trên 10% tiền điện mỗi tháng so với trước đây.

Theo ông Tuấn, điều quan trọng là mục tiêu góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm và giảm tình trạng quá tải lưới điện. Đó cũng là lợi ích chung để góp phần bảo đảm được cấp điện ổn định, liên tục về lâu dài đối với hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp. Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của công nhân lao động về việc sử dụng điện một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

Sơ chế gỗ cao su tại Công ty TNHH Cao Lâm Phát.
Sơ chế gỗ cao su tại Công ty TNHH Cao Lâm Phát.

Cơ sở sản xuất nước đá Ruby (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) có 3 tổ máy hoạt động ở lĩnh vực sản xuất nước đá. Sản xuất nước đá vốn tiêu thụ lượng điện năng lớn nên cơ sở chú trọng cải tiến công nghệ để tiết giảm năng lượng, đồng thời sắp xếp lịch sản xuất vào giờ thấp điểm nhằm hưởng giá điện thấp, tiết kiệm chi phí hiệu quả.

Anh Đào Công Phiên, Chủ cơ sở cho hay, vào giờ cao điểm, nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng, nếu không thực hiện tiết giảm hệ thống điện rất dễ rơi vào tình trạng quá tải. Chính vì vậy, anh tham gia Chương trình DR vì tính cấp thiết và cũng để chia sẻ khó khăn với ngành Điện địa phương. Sắp xếp sản xuất vào khung giờ thấp điểm nhưng do đặc thù công việc phải sản xuất nước đá liên tục trong ngày, vào những giờ cao điểm không thể sản xuất, cơ sở cũng có phương án trao đổi, tìm kiếm nguồn hàng khác để cung ứng cho đối tác, chấp nhận sụt giảm lợi nhuận vì lợi ích chung.

Theo ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, với nhu cầu phụ tải điện ngày càng tăng cao thì việc thực hiện tốt Chương trình DR càng có ý nghĩa, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm cung cấp điện ổn định và nâng cao độ tin cậy cho khách hàng. Thời gian tới, Điện lực Đắk Lăk sẽ tiếp tục rà soát và vận động doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình nhằm bảo đảm sự vận hành ổn định của hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trên địa bàn. Đồng thời, giúp cộng đồng nhận thức rõ hơn về tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.