Đổi thay từ ngày có điện
Là một thôn nghèo của xã Ea Trang (huyện M'Đrắk), thôn Ea Bra nằm khuất sâu giữa những dãy núi đồi, cách trung tâm xã chừng 15 km, có 101 hộ dân, với trên 700 nhân khẩu, trong đó có 99,5% là người dân tộc Hmông sinh sống. Bà con chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, làm nương rẫy, kinh tế còn nghèo. Do địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi nên suốt nhiều năm người dân ở đây đều không có điện lưới sử dụng khiến cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Đầu năm 2018, Điện lực Ea Kar - Công ty Điện lực Đắk Lắk đã đóng điện công trình cấp điện lưới quốc gia cho hai thôn Ea Boa và thôn Ea Bra, xã Ea Trang. Công trình có đường dây trung áp dài 3,4 km, đường dây hạ áp 1,5 km, 1 trạm biến áp 100kVA với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng, trong khuôn khổ Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 1) với tổng số vốn 125 tỷ đồng.
Từ ngày có điện, Ea Bra thay đổi rõ rệt cả về đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cũng như tình hình an ninh trật tự. Ông Thào Thanh Cậu, Trưởng thôn Ea Bra vui mừng: “Điện về như người mù được sáng mắt, các cháu học sinh không còn phải thắp cây đèn dầu học bài vào mỗi tối, nhờ thế mà tỷ lệ học sinh trong thôn bỏ học giảm hẳn, nhiều cháu lực học khá hẳn lên. Ngoài ra, có điện nên thôn triển khai được hệ thống loa truyền thanh, rất thuận tiện trong việc phổ biến, triển khai các văn bản của xã, huyện; hướng dẫn biện pháp kỹ thuật trong gieo cấy, sản xuất, chăn nuôi theo mùa, lịch thời vụ hoặc thông báo họp thôn... Trước đây, muốn tổ chức họp, cán bộ thôn thường mất cả buổi đi đến từng hộ dân để thông báo”.
Có điện, gia đình chị Ma Thị Mú mua các loại máy móc phục vụ cho việc kinh doanh. |
Đặc biệt, nhiều hộ dân nhờ có điện đã có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đã có nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mua sắm công cụ phục vụ sản xuất như máy bơm nước, máy xát gạo, xay ngô…, không còn cảnh bà con phải giã từng mẻ gạo bằng cối chày như trước đây.
Gia đình anh Giàng A Trăng và chị Ma Thị Mú là một trong những hộ đầu tiên ở thôn Ea Bra mua máy xay xát. Trước đây, khi chưa có điện, mỗi tháng gia đình anh chị phải tốn từ 300.000 – 400.000 đồng mua dầu đổ máy nổ để xay xát gạo cho bà con trong thôn; có những hôm máy hết dầu, anh Trăng phải chạy gần 10 km ra gần trung tâm xã mới mua được dầu về để tiếp tục xay xát. Từ ngày có điện, công việc buôn bán, làm dịch vụ xay xát của gia đình anh đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Anh Trăng còn mạnh dạn đầu tư thêm tủ lạnh, máy bán nước mía để phục vụ bà con. Hiện thu nhập từ việc kinh doanh, buôn bán và làm ruộng của gia đình anh đạt trên 50 triệu đồng/năm.
Còn chị Sùng Thị Như, một người dân trong thôn chia sẻ: “Có điện, chị em phụ nữ trong thôn đỡ vất vả hơn nhiều. Trước đây, chúng tôi phải nấu bếp củi, gặp hôm mưa gió, củi ướt thì cơm bữa chín, bữa sống. Từ khi có điện đến nay, gia đình nào cũng có nồi cơm điện, nhà có kinh tế khá mua được cả tủ lạnh và máy giặt… Chị em nhờ thế có nhiều thời gian hơn để chăm lo gia đình và tham gia các hoạt động của Chi hội phụ nữ thôn”.
Nhờ có điện lưới quốc gia, nhiều gia đình trong thôn Ea Bra không còn cảnh tù mù. |
Có điện, nhiều hộ chung nhau mua máy bơm công suất lớn bơm nước vào tận các chân ruộng cao, sản xuất từ 2 - 3 vụ mỗi năm, năng suất lúa nước bình quân đạt từ 5-6 tạ/sào, sắn từ 50-55 tạ/ha. Đến nay, hơn 90% hộ dân trong thôn đã khai thác các diện tích đồi núi trống để trồng rừng nguyên liệu, xem đây là nguồn thu nhập ổn định và lâu dài...
Từ 90% hộ nghèo và cận nghèo trước năm 2000 thì nay tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chỉ còn 44 hộ, chiếm 43%, hộ cận nghèo còn 9 hộ, chiếm trên 8%. Thôn Ea Bra đã được công nhận là thôn văn hóa; đời sống người dân đã được cải thiện rõ rệt. |
Mỹ Sự - Thúy Diệp
Ý kiến bạn đọc