Huyện Krông Pắc: Huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Nhờ phát huy các nguồn lực cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo ở huyện Krông Pắc đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội ở địa phương.
Năm 2014, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, anh Nguyễn Tấn Sang ở tổ dân phố 9, thị trấn Phước An đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để chăn nuôi dê. Sau 2 năm đầu tư mở rộng chuồng trại, đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên 30 con. Cùng với chăn nuôi, gia đình anh Sang còn tận dụng diện tích 1 sào trong vườn để thả cá, vừa cải thiện bữa cơm gia đình vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Chịu thương, chịu khó làm ăn, năm 2016, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo. Được NHCSXH hỗ trợ vay vốn diện hộ mới thoát nghèo 20 triệu đồng, gia đình anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, đến nay đàn dê đã phát triển lên hơn 100 con. Nhờ chăn nuôi dê, nuôi cá cùng với 0,8 ha rẫy thuê lại của người dân trồng cà phê đã mang lại cho gia đình anh Sang thu nhập ổn định từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Nguyễn Tấn Sang ở tổ dân phố 9, thị trấn Phước An. |
Ông Đoàn Đại Lý, Chánh Văn phòng UBND huyện Krông Pắc
|
Còn gia đình anh Y Thiêm Niê ở buôn Pan, xã Ea Yông có 5 nhân khẩu, mặc dù có 1,8 ha rẫy nhưng do không có vốn đầu tư, lại thiếu kỹ thuật nên vườn cà phê ngày càng cằn cỗi, thu nhập không đáng kể. Cuộc sống của gia đình anh vì vậy luôn rơi vào tình cảnh khó khăn. Năm 2016, nhờ Hội Nông dân xã tạo điều kiện tín chấp vay vốn từ NHCSXH 20 triệu đồng thuộc diện hộ cận nghèo, anh đã đầu tư để cải tạo, chăm sóc vườn cà phê.
Cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật từ các lớp tập huấn địa phương tổ chức, sau 2 năm vườn cà phê của gia đình anh đã cho năng suất 2 tấn/ha. Từ hộ cận nghèo, anh đã mạnh dạn vay vốn từ các nguồn tín dụng khác để đầu tư trồng xen thêm cây ăn trái như sầu riêng, bơ, tiêu trong vườn cà phê để nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh Y Thiêm chia sẻ, với 110 cây sầu riêng, 360 trụ tiêu, khi cho thu hoạch sẽ mang lại thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm.
Ông Huỳnh Đức Mười, Giám đốc NHCSXH chi nhánh huyện Krông Pắc cho biết, để triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền, các hội, đoàn thể tại địa phương mang nguồn vốn đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp người dân kịp thời có vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo. Thông qua ủy thác, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có ý thức trách nhiệm trong việc trả nợ vay vốn của ngân hàng. Trong 6 tháng năm 2019, ngân hàng đã giải ngân 17,253 tỷ đồng cho 528 hộ nghèo vay vốn, tổng dư nợ đạt 89,756 tỷ đồng với 3.457 hộ; 10,455 tỷ đồng cho 308 lượt hộ cận nghèo vay, tổng dư nợ hơn 48,5 tỷ đồng với 1.671 hộ; 17,5 tỷ đồng cho 529 lượt hộ mới thoát nghèo vay, tổng dư nợ 29,609 tỷ đồng với 1.012 hộ.
Tiêu trồng xen canh trong vườn cà phê cùng với các loại cây ăn trái của gia đình anh Y Thiêm Niê (bìa trái) ở buôn Pan, xã Ea Yông. |
Bên cạnh vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, nguồn lực quan trọng và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng để chung tay hỗ trợ người nghèo đó chính là Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pắc xây dựng, vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã huy động được hơn 6,8 tỷ đồng xây dựng quỹ. Từ số tiền trên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ sửa chữa, xây mới 171 nhà Đại đoàn kết, 822 nhà theo Chương trình 167 tặng các gia đình gặp khó khăn về nhà ở, góp phần cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà đột nát trên địa bàn huyện; trao nhiều cây, con giống cho 1.000 gia đình, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc