Triển vọng từ trồng chôm chôm Thái ở Cư Mốt
Trong những năm 2001 - 2003, thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương phù hợp, bà con dân tộc Nùng ở thôn 8, xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo) mạnh dạn mua giống cây chôm chôm Thái về trồng xen trong vườn tiêu, rẫy cà phê với suy nghĩ chủ yếu để ăn trái và làm cây che bóng. Hộ trồng ít thì 5 - 10 cây, nhiều thì gần trăm cây chôm chôm Thái.
Không ngờ, sau hơn 10 năm trồng, chăm sóc, cây chôm chôm Thái tỏ ra rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Cư Mốt và mang lại thu nhập khá cho người trồng. Gia đình ông Lương Văn Ích có 90 cây chôm chôm hơn 10 năm tuổi, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 8 - 10 tấn quả. Khi chôm chôm chín rộ, tiểu thương ở các nơi trong huyện vào tận vườn thu mua với giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư gia đình ông Ích có lãi 130 triệu đồng/năm.
Vườn chôm chôm của gia đình ông Hoàng Văn Ngọc cũng đã trồng được 13 năm, dù chỉ có 60 cây nhưng mỗi năm cho thu nhập hơn 70 triệu đồng. Ông Ngọc chia sẻ, một cây chôm chôm nếu chăm tốt có thể cho thu từ 1,5 - 3 tạ quả/năm, giá bán thường từ 12.000 – 15.000 đồng/kg.
Vườn chôm chôm của gia đình ông Lương Văn Ích. |
Theo thống kê của bà con, ở thôn 8 hiện có 15/46 hộ trồng chôm chôm Thái với tổng diện tích hơn 20 ha, trong đó có 4 hộ chuyên canh, còn lại trồng xen trên nương rẫy. So với các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu thì chôm chôm dễ chăm sóc hơn, không tốn quá nhiều nước tưới, phân bón nên tiết kiệm được công lao động và chi phí đầu tư. Đặc biệt, cây chôm chôm Thái trồng ở đây phát triển rất tốt, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao, khi chín cơm dày, ăn rất giòn và ngọt chẳng thua gì chôm chôm được trồng ở xứ miệt vườn Nam Bộ.
Ông Nông Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Mốt cho biết: Hơn 3 năm nay, cây chôm chôm Thái ở thôn 8 đã trở thành cây hàng hóa, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương chấp nhận. Mới đây, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ea H’leo đã cấp phép thành lập Hợp tác xã trái cây Cư Mốt, xã viên nòng cốt của hợp tác xã này cũng chính là 12 hộ trồng chôm chôm ở thôn 8. Việc thành lập hợp tác xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông hộ liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau trong việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ chôm chôm. Tuy nhiên, để mô hình kinh tế này phát triển bền vững, xã Cư Mốt cũng khuyến cáo bà con nông dân cần thận trọng, chỉ mở rộng diện tích chôm chôm ở vùng đất thích hợp; sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu rầy cho cây chôm chôm nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ngọc Tài
Ý kiến bạn đọc