Multimedia Đọc Báo in

Trồng chuối chạy theo phong trào, nguy cơ "vỡ trận" cao

09:17, 01/07/2019

Khoảng một năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở huyện Krông Búk đổ xô đi trồng chuối với hy vọng thu lợi nhuận kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay giá chuối quả trên thị trường giảm mạnh, nguy cơ “vỡ trận" cao, khiến nhiều người thấp thỏm.

Cuối năm 2017, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao DRI (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) thuê 69 ha đất ở thôn Bình Minh của Nông trường cao su Chư Kbô (xã Cư Kbô) trồng chuối (giống chuối lùn Nam Mỹ theo phương pháp nuôi cấy mô) để xuất khẩu, với giá bán theo hợp đồng thu mua có thời điểm lên đến 14.000 đồng/kg. Còn tại thị trường buôn bán trong nước, nhiều tư thương thu mua chuối với mức 10.000 đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cây chuối đem lại cao, một số hộ dân trên địa bàn huyện cũng trồng chuối để cung cấp cho thị trường nội địa.

Anh Nguyễn Văn Hòa ở thôn 14 (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) chăm sóc vườn chuối chuẩn bị thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Hòa ở thôn 14 (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) chăm sóc vườn chuối chuẩn bị thu hoạch.

Đầu năm 2018, gia đình anh Nguyễn Văn Hòa ở thôn 14 (xã Pơng Drang) trồng 2,5 ha chuối lùn giống nhập từ Thái Lan. Chỉ sau khoảng 10 tháng xuống giống, vườn chuối bắt đầu cho thu hoạch. Những ngày đầu mới trồng, giá chuối quả trên thị trường vẫn cao nên nhiều hộ dân trong vùng đã tìm đến vườn của gia đình anh Hòa đặt mua cây con về trồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, cũng là giai đoạn vườn chuối của gia đình anh Hòa cho thu hoạch rộ thì giá chuối quả trên thị trường giảm mạnh còn 2.000 - 2.500 đồng/kg. Trong 6 tháng đầu năm, vườn chuối cho thu hoạch khoảng 8 tấn quả, anh Hòa phải liên hệ với nhiều đại lý thu mua trái cây ở các tỉnh phía Nam để bán.

Theo anh Hòa, mặc dù chuối là cây dễ tính nhưng phải đảm bảo đủ nước tưới và thường xuyên giữ ẩm đất. Nếu như sầu riêng chỉ cần tưới 10 lít nước/gốc thì cây chuối cần phải tưới với lượng nước gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần mới đảm bảo cho cây phát triển ổn định. Ngoài ra, chuối cũng thường mắc các bệnh như: sâu đục làm thối thân, hoặc xoăn lá cây dễ dẫn đến chết cây, vì vậy phải thường xuyên phun thuốc chống sương, thuốc bảo vệ thực vật để cây phát triển, ra quả đều.

Thấy nhiều hộ dân trồng chuối, anh Nguyễn Thành Hưng (trú xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) cũng thuê 10 ha đất mới tái canh cao su tại thôn Quảng Hà (xã Cư Kbô) của Nông trường cao su Chư Kbô để trồng xen 10.000 chuối tiêu hồng, với chi phí ban đầu 400 triệu đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, anh Hưng xuất bán khoảng 12,5 tấn chuối/tháng ra thị trường, trừ chi phí nhân công, phân bón… mỗi tháng anh thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

Theo anh Hưng, chuối tiêu thụ thị trường nội địa không đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt như trồng chuối để xuất khẩu nên anh chỉ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống. Thương lái thu mua chuối của gia đình anh thường đưa đến các tỉnh Nam miền Trung rồi chia lẻ bán cho các chợ, quán ăn... Tuy nhiên, anh Hưng  chia sẻ, dù thu nhập như vậy song đến nay tiền đầu tư ban đầu cho vườn chuối chưa thu hồi lại được, thời gian kinh doanh loại cây trồng này tối đa chỉ khoảng 5 năm thì phải xóa vườn. Trong khi đó, thị trường đầu ra rất “đỏng đảnh”, giá chuối quả những tháng gần đây quá thấp, thương lái hay ép giá nông dân trồng chuối, không biết tới đây khả năng tiêu thụ ra sao.

Vườn chuối trồng xen với cao su mới tái canh của gia đình anh Nguyễn Thành Hưng tại thôn Quảng Hà  (xã Cư Kbô).
Vườn chuối trồng xen với cao su mới tái canh của gia đình anh Nguyễn Thành Hưng tại thôn Quảng Hà (xã Cư Kbô).

Chị Nguyễn Thị Nhỏ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Diễm Minh - đại lý thu mua trái cây, nông sản ở thôn 14 (xã Pơng Drang) cho hay: "Huyện Krông Búk đang có khá nhiều diện tích chuối kinh doanh. Những hộ trồng chuối quy mô lớn thường phải tìm đến thương lái ngoài huyện thu mua để đưa đến các tỉnh, thành khác bán lẻ, còn các hộ trồng từ dưới 1 ha thì liên hệ các đại lý thu mua trên địa bàn huyện. Mỗi tuần đại lý của tôi cũng chỉ dám thu mua tối đa 5 tạ chuối, trong khi nhu cầu đầu ra của loại trái cây này cao gấp nhiều lần".

Theo chị Nhỏ, khá nhiều tỉnh, thành trong cả nước trồng được chuối, khách hàng tiêu thụ chuối lại không nhiều. Giá cả lại phụ thuộc vào thị trường, cung nhiều hơn cầu dẫn đến giá xuống thấp, thậm chí tư thương không mua. Đã từng có bài học đắt giá về chuối - năm 2017 nông dân tại nhiều tỉnh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai… khóc ròng vì chuối rớt giá thê thảm, thậm chí không tiêu thụ được do xuất phát từ kiểu làm ăn theo phong trào.

Trước tình trạng trên, rõ ràng người dân cần thận trọng với việc trồng chuối chạy theo phong trào để tránh rủi ro.

Theo ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk, ngoài diện tích chuối được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao DRI thuê đất của Nông trường cao su Chư Kbô để trồng theo quy trình xuất khẩu thì đến nay đơn vị vẫn chưa nắm được tình hình người dân mở rộng diện tích trồng chuối vì các xã không báo cáo.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.