Multimedia Đọc Báo in

Bước ngoặt cho công nghiệp điện gió

10:15, 17/09/2019

Trang trại phong điện Tây Nguyên - Dự án điện gió đầu tiên ở Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên đã vận hành phát điện. Đây sẽ là bước ngoặt trong lộ trình phát triển ngành điện gió cũng như khả năng làm chủ công nghệ phong năng.

Trong vòng 5 – 7 năm nay, hàng loạt các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh tìm hiểu, khảo sát về cơ hội làm giàu từ điện gió. Tuy nhiên, có doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc thăm dò, đo gió. Một số đơn vị lập dự án nhưng không khả thi hoặc chưa tính toán hết về mặt kỹ thuật nên cũng không thực hiện. Có thể hiểu sự e dè của các nhà đầu tư, bởi điện gió chưa được kiểm chứng tại địa phương về hiệu quả kinh tế cũng như khả năng làm chủ công nghệ, kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng thiết bị.

Công trình điện gió ở huyện Ea H'leo.  Ảnh: H. Gia
Công trình điện gió ở huyện Ea H'leo. Ảnh: H. Gia

Trang trại phong điện Tây Nguyên của Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE tại thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, chính thức thi công từ tháng 10-2017, với công suất 28,8 MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng (giai đoạn 1). Để thực hiện dự án, chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn chủ quan do đây là dự án đầu tiên của tỉnh cũng như của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn bởi một số hộ dân vùng dự án chưa hợp tác.

Để có đất sạch triển khai, nhà đầu tư phải vừa thỏa thuận mức bồi thường, hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng, vừa cùng với chính quyền và các đoàn thể tại địa phương tuyên truyền về lợi ích của dự án và quy định của Nhà nước về kinh phí giải phóng mặt bằng để người dân đồng thuận. Tuy nhiên, công đoạn khó nhất là thi công trụ móng, lắp đặt thiết bị tuabin, quạt gió. Phần lớn hạng mục phải xây dựng trên các đồi cao nên việc tập kết phương tiện, nguyên vật liệu và thiết bị, nhất là những cột gió, cánh quạt khổng lồ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc thi công chỉ thực hiện được trong thời điểm mùa khô nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Bởi vậy, nhiều thời điểm thi công trụ móng, đơn vị thi công phải huy động hơn 100 công nhân làm 3 ca/ngày mới bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng công trình.

Một góc Trang trại phong điện Tây Nguyên.
Một góc Trang trại phong điện Tây Nguyên.

Sau 2 năm xây dựng, một trang trại điện gió đã được hình thành trên đồi Dliê Yang. Nhìn từ xa, nhiều người sẽ ngỡ ngàng, thích thú với những tuabin, cánh quạt khổng lồ hiện ra giữa vùng đất đỏ bao la lộng gió.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE cho biết, đến thời điểm này, 5 tuabin đã vận hành phát điện, 4 tổ máy đang thực hiện quá trình đấu nối và 3 tuabin lắp đặt gần xong. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư vận hành, bảo dưỡng được tuyển kỹ lưỡng và có chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, đào tạo, đủ khả năng làm chủ được công nghệ và điều khiển thiết bị. Đặc biệt, với sức gió tại khu vực này đạt từ 7 - 7,5 m/giây, qua vận hành thử nghiệm cho thấy, các tổ máy vận hành vượt công suất tính toán của chủ đầu tư. Đến cuối tháng 12-2019, toàn bộ 12 tuabin sẽ phát điện thương mại, với tổng sản lượng 109 triệu kWh/năm, hòa vào lưới điện Quốc gia theo đường dây 110 kV Ea H’leo – Krông Búk.

Sự hình thành nhà máy điện gió cũng bước đầu giúp địa phương được hưởng lợi. Ông Ksor Y Thông, Chủ tịch UBND xã Dliê Yang cho biết, từ khi có dự án, doanh nghiệp đã sửa chữa, nâng cấp, mở rộng gần 9 km đường giao thông, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Bên cạnh đó, dự án đi vào hoạt động sẽ thay đổi diện mạo xã nông thôn mới và thu hút khách du lịch, giúp người dân phát triển kinh doanh các loại dịch vụ.

Sau khi thực hiện giai đoạn 1, từ nay đến năm 2022, Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (công suất 110 MW) và giai đoạn 3 (300 MW). Hai giai đoạn này của dự án đang thực hiện thủ tục bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.