Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân huyện Krông Pắc: Hỗ trợ nông dân liên kết phát triển sản xuất

08:57, 12/09/2019

Nhờ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, huyện Krông Pắc đã nhân rộng nhiều mô hình liên kết, tổ hợp tác sản xuất, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đầu năm 2019, tổ hợp tác trồng và khai thác nấm của anh Nguyễn Quốc Hậu và 2 hộ gia đình khác ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhờ số vốn này, tổ hợp tác đã đầu tư nâng cấp trang trại trồng nấm để nâng cao năng suất, sản lượng nhằm tìm kiếm thị trường lớn hơn. Anh Hậu cho biết, sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh đã đổi mới mô hình từ trồng nấm ngoài trời sang trồng trong nhà và đã thành công.

Anh Nguyễn Quốc Hậu (xã Ea Uy) chuẩn bị nguyên liệu để làm nấm.
Anh Nguyễn Quốc Hậu (xã Ea Uy) chuẩn bị nguyên liệu để làm nấm.

Cùng với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh đầu tư thêm tiền để mua tre nứa dựng 4 trại trồng nấm. Ngoài ra, để chủ động nguồn nguyên liệu, anh mạnh dạn đầu tư mua máy cuộn rơm để chủ động nguồn nguyên liệu làm nấm trong cả năm. Trung bình sau 25 ngày trồng, nấm cho thu hoạch liên tục trong hơn 10 ngày với sản lượng 15 kg/ngày. Trung bình nấm có giá bán 70 nghìn đồng/kg, gia đình anh có nguồn thu khá ổn định. Anh Hậu chia sẻ: “Hiện nay, sản phẩm nấm của tổ hợp tác chỉ bán lẻ ở các chợ trên địa bàn huyện do sản lượng ít và chưa tiếp cận được với các thị trường lớn. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, tổ hợp tác đang tìm đầu ra cho sản phẩm để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất".

Ông Phạm Văn Tơn (xã Krông Búk) đã phát triển mô hình chăn nuôi gà thương phẩm hơn 10 năm nay.
Ông Phạm Văn Tơn (xã Krông Búk) đã phát triển mô hình chăn nuôi gà thương phẩm hơn 10 năm nay.
 
“Thông qua việc thành lập tổ hợp tác, Hội Nông dân huyện hỗ trợ nông dân vay vốn, nâng cao trình độ, kỹ năng tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật… từ đó hướng đến liên kết sản xuất bền vững, tiến tới phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao”.
 
Ông Nguyễn Công Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc

Tương tự, đầu năm 2019, tổ hợp tác chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Krông Búk được thành lập với 7 thành viên và đã được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 350 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (50 triệu đồng/hộ) để mở rộng chăn nuôi. Bên cạnh được hỗ trợ vốn, các thành viên trong tổ hợp tác còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do huyện tổ chức. Nhờ được hỗ trợ vốn và kỹ thuật, tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, tìm kiếm thị trường.

Điển hình như ông Phạm Văn Tơn (thôn 17, xã Krông Búk) hiện đã mở rộng trang trại gà với diện tích hơn 3.000 m2, nuôi gối đầu trung bình từ 2.000 – 4.000 con gà. Hay như gia đình anh Đoàn Quang Huy (thôn 17), trước đây chỉ nuôi chừng 500 con nay đã mạnh dạn tăng đàn lên 1.000 – 2.000 con.

Ông Nguyễn Công Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc cho biết, nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện khuyến khích và hỗ trợ nông dân thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất để giảm các chi phí đầu vào, tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn nhất định, tăng năng suất, sản lượng và tìm kiếm thị trường lớn, lâu dài. Bước đầu Hội đang tập trung hỗ trợ 4 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với kinh phí 760 triệu đồng, gồm: nuôi cá lồng bè, nuôi gà thương phẩm, trồng và khai thác nấm và nuôi bò vỗ béo.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.