Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi gà thương phẩm

10:16, 17/09/2019

Từ năm 2014 trở lại đây, một số hộ dân tại xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) đã tận dụng diện tích đất vườn rộng rãi, nguồn phế phẩm nông nghiệp để phát triển mô hình nuôi gà thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Giang Văn Cường (thôn 16) là một trong những hộ nuôi gà đầu tiên tại địa phương. Trước đây, anh Cường có nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình nhưng do giá cả bấp bênh lại hay xảy ra dịch bệnh khiến việc chăn nuôi thường xuyên thua lỗ. Năm 2014, sau khi tìm hiểu và tham quan một số trại nuôi gà ở huyện Ea Kar, anh Cường đã quyết định cải tạo lại chuồng heo và mua 500 con gà giống lai chọi về nuôi thử. Vốn có chuyên môn về thú y nên anh Cường nắm vững cách chăm sóc, tiêm vắc xin, vệ sinh chuồng trại theo đúng quy trình, giúp đàn gà sinh trưởng tốt.

Anh Giang Văn Cường (thôn 16, Krông Búk) kết hợp nuôi nhốt với thả vườn để gà khỏe mạnh, có sức đề kháng.
Anh Giang Văn Cường (thôn 16, Krông Búk) kết hợp nuôi nhốt với thả vườn để gà khỏe mạnh, có sức đề kháng.

Trong quá trình nuôi, ngoài việc cho gà ăn đủ chất, uống nước sạch thì anh Cường còn bổ sung thêm rau, cỏ, bắp, đậu, kết hợp nuôi nhốt với thả vườn để gà khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt. Nhờ vậy, sau hơn 3 tháng nuôi và chăm sóc, đàn gà đã có thể xuất chuồng, đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg. Với giá bán 78.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh Cường thu lãi hơn 20 triệu đồng. Nhận thấy nuôi gà mang lại hiệu kinh tế quả cao, nhanh thu hồi vốn, anh Cường đã mở rộng quy mô nuôi lên 1.000 con theo hình thức gối đầu.

Bình quân mỗi năm, trại gà của gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 5.000 con gà thương phẩm, đem lại cho cho anh nguồn thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện anh Cường đang nuôi thử 1.000 con gà mía mua từ thị xã Sơn Tây (Hà Nội) để cung cấp cho thị trường một số tỉnh như Gia Lai, Lâm Đồng. Đây là giống gà có mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon và được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Mô hình nuôi gà thương phẩm của gia đình ông Phạm Văn Tơn (thôn 17, xã Krông Búk).
Mô hình nuôi gà thương phẩm của gia đình ông Phạm Văn Tơn (thôn 17, xã Krông Búk).

Được biết, không chỉ gia đình anh Cường mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã Krông Búk cũng đã chọn phát triển kinh tế từ mô hình nuôi gà thương phẩm với quy mô từ 1.000 - 3.000 con, với nhiều giống gà khác nhau như gà lai chọi, gà ri, gà mía, gà Mông… tập trung tại thôn 16, 17 và thôn Đồi Đá. Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Tơn (thôn 17) từng nuôi gà từ năm 2008 nhưng manh mún, nhỏ lẻ và chỉ nuôi theo kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Năm 2015, sau khi tham gia các buổi tập huấn về nuôi gà do Hội Nông dân xã tổ chức, ông Tơn mạnh dạn đầu tư xây dựng khu chuồng trại và làm hàng rào vây quanh 2 sào đất trồng vải thiều của gia đình để nuôi gà, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi lên 1.000 con. Sau gần 5 năm chăn nuôi, hiện ông Tơn đang sở hữu một trang trại gà rộng 3.000 m2, nuôi gối đầu trung bình từ 2.000 – 4.000 con. Mỗi tháng xuất bán khoảng 1.000 con gà thương phẩm, giúp ông thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Theo ông Tơn, để việc nuôi gà đạt hiệu quả thì người nuôi phải tìm được giống gà tốt, khỏe mạnh và tuân thủ đầy đủ các khâu về vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, gà sẽ đạt trọng lượng theo yêu cầu và có thể xuất bán đúng thời điểm với giá cao.

Từ hiệu quả thực tế của mô hình đem lại, tháng 3-2019 Hội Nông dân xã Krông Búk đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác nuôi gà thương phẩm, với 9 thành viên. Khi tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi và chăm sóc gà, được hỗ trợ tìm kiếm nguồn giống tốt và các thương lái lớn để xuất bán gà với giá cao và số lượng lớn. Ngoài ra, 7 thành viên trong tổ đã được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.