Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất vụ hè thu 2019: Nhiều địa phương gồng mình chống thiên tai

10:55, 27/09/2019

Mặc dù tình hình sản xuất đầu vụ hè thu 2019 khá thuận lợi, nhưng gần đến cuối vụ thì rất nhiều địa phương phải gồng mình chống chọi với mưa lũ và hạn hán.

Nguy cơ thiếu đói

Năm nay ở Đắk Lắk mùa mưa đến muộn (bắt đầu từ đầu tháng 5), lượng mưa trên toàn tỉnh đạt 876,2 mm (thấp hơn so với trung bình nhiều năm). Tuy nhiên, lượng mưa lại phân bố không đều, trong khi các huyện trung tâm và phía Tây (TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Bông) mưa lớn gây ngập lụt thì các huyện phía Đông tỉnh là Ea Kar, M’Đrắk lại xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ ở nhiều khu vực. Điều này đã khiến gần 23.300 ha cây trồng các loại vụ hè thu 2019 bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có hàng nghìn ha lúa bị mất trắng. Thiệt hại chủ yếu do mưa lũ, ngập lụt là 17.491 ha; hạn hán 5.785 ha.

Một trong những địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ hồi tháng 8-2019 là huyện Lắk. Theo thống kê, vụ hè thu năm nay toàn huyện gieo trồng được gần 7.130 ha lúa, sau trận mưa lũ thiệt hại hơn 3.700 ha lúa, trong đó hai vùng chuyên canh sản xuất lúa lớn là Buôn Triết, Buôn Tría bị thiệt hại nặng nhất, gần 2.700 ha. Do lúa đang ở giai đoạn làm đòng nên ngập đâu hư đó, cả cánh đồng mất trắng khiến người dân tại đây lâm vào cảnh khốn đốn.

Anh Nguyễn Trọng Hải (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) kiểm tra ruộng lúa sau lũ.
Anh Nguyễn Trọng Hải (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) kiểm tra ruộng lúa sau lũ.

Bà Phạm Thị Nụ (thôn Sơn Cường, xã Buôn Triết) cho biết, sau lũ toàn bộ 3 ha lúa của gia đình bị đổ rạp, bốc mùi hôi do ngập trong nước nhiều ngày. Kinh tế cả gia đình bà Nụ dựa vào 3 ha lúa, nay chỉ còn một số diện tích nhỏ có thể vớt vát được từ 10 – 20% sản lượng. Số lúa này gặt về cũng chỉ nghiền để làm thức ăn chăn nuôi chứ người không thể sử dụng được. Nguy cơ năm nay gia đình bà lâm vào cảnh thiếu ăn vì số lúa thu được từ vụ trước đã bán hết, chỉ giữ lại một ít để phục vụ nhu cầu ăn uống của gia đình để chờ vụ sau. Không ngờ, khi chuẩn bị thu hoạch vụ mới thì mưa lũ làm hư hỏng hết.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Trọng Hải (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) cũng đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng khốn đốn. 3 ha lúa của gia đình anh Hải bị ngập và thiệt hại trên 70%. Đất lúa bị ngập cũng không thể chuyển sang sản xuất cây gì nên đành phải chờ đến tháng 11-2019 mới gieo sạ vụ mới và tiếp tục đầu tư cho đến tháng 4 năm sau mới có thu hoạch. Trong khi đó, lúa vụ trước lại vừa hết nên hiện nay gia đình anh Hải cùng nhiều hộ dân ở địa phương đã phải đi mua lúa, gạo để ăn.

Trong khi các huyện phía Tây chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ thì các huyện phía Đông, cây trồng lại chịu cảnh khô hạn do thiếu nước. Theo Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk, thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo gió mạnh đã làm cho trên 3.200 ha cây trồng vụ hè thu trên địa bàn huyện bị hạn, trong đó có khoảng 1.000 ha lúa nước bị mất trắng. Chị Phan Thị Thành (thôn 18, xã Cư Mta) cho hay, gia đình có hơn 3 sào lúa nước. Thời kỳ đầu vụ, thời tiết tương đối thuận lợi, nhưng sau đó nắng nóng kéo dài gần đến cuối vụ khiến nguồn nước cạn kiệt nên gia đình cũng bất lực nhìn lúa khô cháy khi sắp cho thu hoạch. Vậy là gia đình mất trắng công đầu tư và cũng mất luôn nguồn lương thực trong năm.

Cần có giải pháp lâu dài

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu 2019 là 207.482 ha, đạt 99,91%. Trong đó, ngô, đậu xanh, sắn, mía là không đạt kế hoạch, còn lại đều vượt kế hoạch đề ra. Hiện toàn tỉnh thu hoạch được 59.422 ha, đạt 28,64% kế hoạch, trong đó thu hoạch lúa nước được 5.722 ha. Mặc dù tổng sản lượng lương thực có hạt vụ hè thu 2019 ước đạt 703.292 tấn (lúa 347.400 tấn, ngô 355.892 tấn), tăng 10.724 tấn so với vụ hè thu 2018, nhưng không đạt mục tiêu đề ra của năm 2019 (kế hoạch là 968.850 tấn).

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra. Các địa phương cũng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách để hạn chế thiệt hại cho nông dân. Đơn cử như huyện M’Đrắk đã thực hiện kịp thời các giải pháp ứng phó với hạn như: hướng dẫn các xã thực hiện điều tiết nước hợp lý giữa các công trình để tưới tiêu và huy động máy bơm đưa nước về cứu lúa, hoa màu; riêng với diện tích lúa đã bị mất trắng, chính quyền cấp xã hướng dẫn người dân phá bỏ lúa để kịp trồng các loại cây rau màu như đậu đỗ, khoai lang… bù đắp sản lượng lương thực thiếu hụt, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên các giải pháp này chỉ mới mang tính tạm thời, ứng phó để khắc phục hậu quả. Còn những giải pháp mang tính lâu dài để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phòng tránh thiên tai vẫn chưa thực hiện được.

Ruộng lúa của bà Phạm Thị Nụ hư toàn bộ do bị ngập lâu trong nước lũ.
Ruộng lúa của bà Phạm Thị Nụ hư toàn bộ do bị ngập lâu trong nước lũ.

Theo Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk, hầu như năm nào trên địa bàn huyện cũng bị hạn giữa mùa mưa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hầu hết các công trình thủy lợi được xây dựng đã lâu dẫn đến tình trạng bồi lắng nên lượng nước dự trữ trong hồ không nhiều. Mặt khác, một số công trình không có nguồn sinh thủy tự nhiên nên khi nguồn nước cạn thì không có khả năng tái tạo, phải chờ nguồn nước mưa hoặc từ sông, suối. Về lâu dài, huyện mong muốn các sở, ban, ngành tham mưu với UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện xã hội hóa nạo vét lòng hồ các công trình thủy lợi bị bồi lắng nhằm tăng khả năng tích trữ nước phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân.

Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Lắk, năm nào thiệt hại nông nghiệp do mưa lũ gây ra cũng nặng nề, nhất là khu vực dọc phía Nam sông Krông Ana. Đặc biệt, khi phía bên huyện Krông Ana đầu tư tuyến đê bao dọc bờ sông thì khi có mưa lũ lớn, áp lực dòng chảy càng gia tăng sang phía cánh đồng huyện Lắk và gây ngập lụt trên diện rộng. Do đó, về lâu dài, người dân ở vùng Lắk mong muốn được sớm đầu tư tuyến đê bao phía Nam sông Krông Ana để hạn chế cảnh nông dân “đánh bạc với trời” trong các vụ sản xuất.

Sở NN-PTNT cho biết, trước mắt các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai nhằm ứng phó kịp thời với các diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa, hạn chế tối đa những rủi ro cho sản xuất. Đồng thời, rà soát lại các công trình thủy lợi, hồ đập để có phương án duy tu, sửa chữa để bảo đảm tích nước cũng như chống lũ bảo vệ sản xuất. Sở sẽ đề xuất tỉnh quan tâm đến dự án đê bao chống lũ ở huyện Lắk cũng như các công trình thủy lợi cần phải sửa chữa cấp bách khác trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong 8 tháng năm 2019, UBND tỉnh đã phân bổ trên 29 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai. Tỉnh cũng đề xuất Trung ương có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất hoặc không tính lãi suất đối với khoản vay của các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai và có chính sách cho vay ưu đãi để khắc phục hậu quả và đẩy mạnh sản xuất.

Minh Thuận - Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.