Multimedia Đọc Báo in

Tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng liên kết bền vững

09:02, 19/09/2019

Với nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả, Đắk Lắk đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh. Điều đáng mừng là việc các liên kết vùng từ khâu sản xuất đến tìm thị trường tiêu thụ đã được hình thành, góp phần nâng cao giá trị trái cây.

Bên cạnh thế mạnh vượt trội là sản xuất cây công nghiệp dài ngày thì sản xuất cây ăn quả như sầu riêng, bơ, mít, chuối... của Đắk Lắk cũng có nhiều tiềm năng phát triển. Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có gần 20.500 ha cây ăn quả, trong đó diện tích cho sản phẩm gần 7.200 ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt gần 160.000 tấn.

Các loại cây ăn quả ở Đắk Lắk có chất lượng tốt, nhất là bơ và sầu riêng nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng nhanh về diện tích, sản lượng, phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là thị trường nội địa, giá trị xuất khẩu không đáng kể nên giá cả bấp bênh; nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, đồng thời làm tăng chi phí đầu tư chăm sóc.

HTX Nông nghiệp thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công trưng bày sản phẩm tại Hội chợ cây ăn quả trên địa bàn huyện Ea Kar.
HTX Nông nghiệp thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công trưng bày sản phẩm tại Hội chợ cây ăn quả trên địa bàn huyện Ea Kar.

Từ thực tế trên, nhiều địa phương có thế mạnh về phát triển cây ăn quả như Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, Buôn Đôn... đã thành lập được các hợp tác xã (HTX), chi hội cây ăn quả và tỉnh cũng đã thành lập được Hội cây ăn quả Đắk Lắk nhằm liên kết, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường ổn định. Đơn cử như huyện Ea Kar có diện tích cây ăn quả khoảng 2.000 ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm, gồm các loại: cam, quýt, bưởi, vải, nhãn, mãng cầu... Huyện đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: cây có múi ở các xã Cư Elang, Ea Ô, Cư Bông, Ea Păl; cây vải, nhãn ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tyh; các xã còn lại chủ yếu trồng cây mãng cầu.

Để phát huy tiềm năng cây ăn quả, huyện đã chú trọng phát triển các HTX để liên kết, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công (HTX Thành Công) ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar ) đã liên kết với 80 hộ trồng cây có múi trên địa bàn, nâng tổng diện tích lên 500 ha.

Ông Trương Phú Định, Giám đốc HTX Thành Công cho biết, vùng đất này phần lớn là đất bạc màu, pha cát nên không thích hợp trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Vì vậy, nhiều nông hộ đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam, quýt, bưởi, đem lại thu nhập khá cao và trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, do đầu ra thiếu ổn định, kỹ thuật chăm sóc còn yếu nên vùng cây ăn quả này phát triển thiếu bền vững. HTX Thành Công ra đời đã tháo gỡ được phần nào nút thắt đó cho bà con. Hiện nay, mỗi ha trồng cây ăn quả đạt sản lượng trung bình khoảng 50 – 60 tấn/năm nên tổng sản lượng hằng năm của HTX rất lớn. Mặc dù, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua thương lái nhưng đầu ra và giá cả cũng ổn định hơn trước.

Tương tự, với mong muốn xây dựng vùng chuyên canh cây bơ có uy tín, thương hiệu và đạt tiêu chuẩn cao, ông Trần Thắng Lợi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Krông Năng) đã mạnh dạn thành lập HTX để liên kết các hộ nông dân trồng bơ, tạo thành một vùng nguyên liệu lớn. Hiện HTX có 20 ha bơ, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Để nâng cao chất lượng, HTX nông nghiệp Thắng Lợi triển khai sản xuất bơ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp người dân thực hiện được quy trình sản xuất an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hội viên Hội Cây ăn quả Đắk Lắk đi tham quan và học tập thực tế tại vườn sầu riêng ở xã Tân Lập (huyện Krông Búk).
Hội viên Hội Cây ăn quả Đắk Lắk đi tham quan và học tập thực tế tại vườn sầu riêng ở xã Tân Lập (huyện Krông Búk).

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Cây ăn quả Đắk Lắk, sự liên kết giữa các nhà trong việc sản xuất và tiêu thụ trái cây ở Đắk Lắk đã hình thành nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, khiến giá cả sản phẩm khá bấp bênh, điển hình là năm 2018 quả bơ đã xuống giá, năm 2019 giá quả sầu riêng cũng xuống.

Việc tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường là rất khó đối với bà con nông dân, do đó, đẩy mạnh công tác phối hợp, liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp là yếu tố cần thiết để đưa cây ăn trái của tỉnh phát triển. Hội Cây ăn quả Đắk Lắk tuy mới đi vào hoạt động nhưng cũng đang từng bước phát huy vai trò của Hội trong việc liên kết các nông dân trồng cây ăn quả để hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức ở các khâu sản xuất; kết nối tiêu thụ sản phẩm góp phần giúp cho Đắk Lắk trở thành vùng kinh tế trọng điểm trong phát triển cây ăn quả của vùng Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội cây ăn quả Đắk Lắk cho biết, trong mối liên kết 4 nhà thì Nhà nước phải giữ vai trò “nhạc trưởng”, nhà đầu tư (doanh nghiệp) là cánh tay đắc lực của mối liên kết này. Mỗi “nhà” có vai trò đặc biệt, cần phát huy tối đa để mang lại hiệu quả trong liên kết, mang lại giá trị cao và phát triển bền vững cho cây ăn quả ở Đắk Lắk.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.