Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi tư duy để... làm giàu

09:02, 13/09/2019

Nhờ tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chủ động tìm kiếm thị trường, ông Đỗ Quý Toán ở thôn Tân Lập, xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã tìm hướng đi riêng cho sản phẩm nông nghiệp, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Khoảng hơn 10 năm trước, do chỉ độc canh 1 ha cà phê, trong khi năng suất năm được năm mất, giá cả thị trường lại thấp nên kinh tế gia đình ông Toán rất khó khăn. Năm 2008, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng xen 700 gốc tiêu trong vườn cà phê. Nhờ học hỏi thêm các tiến bộ kỹ thuật trên sách, báo và tích cực tham gia lớp tập huấn, hội thảo do địa phương tổ chức, ông Toán chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ sử dụng nhiều phân bón hóa học sang chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai để bón gốc. Giải pháp này không chỉ giảm chi phí đầu tư mà cây trồng luôn phát triển tốt, cho năng suất cao. Bình quân mỗi năm gia đình ông Toán thu hoạch được 2,5 - 3 tấn cà phê và 3 tấn tiêu, thu về khoảng 400 triệu đồng/năm.

Ông Đỗ Quý Toán (giữa) giới thiệu về mô hình đa cây nhà mình.
Ông Đỗ Quý Toán (giữa) giới thiệu về mô hình đa cây nhà mình.

Có vốn, ông Toán tiếp tục đầu tư trồng bơ và cây đinh lăng xen ở khu vực bờ giáp ranh của rẫy. Ngoài ra, ông còn mua thêm 2 cặp nhím và 2 cặp chồn giống để phát triển chăn nuôi. Từ năm 2014 đến nay, ông luôn duy trì ổn định 10 cặp nhím và 16 cặp chồn giống. Ông Toán chia sẻ: Đây là hai loại vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là rau, củ, quả sẵn có trong vườn nhà. Riêng đối với chồn, mùa cà phê ông chọn trái chín cây cho ăn và có nguồn thu cà phê chồn chất lượng. Mỗi năm ông bán ra thị trường khoảng 20 - 25 cặp nhím giống (4 triệu đồng/cặp) và 20 cặp chồn giống (giá 8 triệu đồng/cặp); ngoài ra còn cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh trong và ngoài tỉnh trên 50 kg cà phê chồn/năm.

Năm 2015, khi mô hình đa cây, đa con đi vào phát triển ổn định, ông Toán đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ và thành lập Website với tên gọi Nongtraitruongthanh.com để quảng bá và bán các sản phẩm nông nghiệp của gia đình. Do có cam kết sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp tiêu chuẩn sạch, an toàn, nên ngay trong năm đó, một nhóm chuyên gia của Hàn Quốc đã tìm đến trang trại của ông để nghiên cứu, kiểm định chất lượng, sau đó đặt hàng thu mua toàn bộ sản lượng tiêu, cà phê của gia đình. Đến năm 2016, ông Toán quyết định ghép cải tạo lại toàn bộ 700 gốc phê già cỗi trong vườn. Sau 2 năm, khi cây cà phê bước vào giai đoạn thu hoạch ổn định thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng tìm đến trang trại để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tiêu và cà phê.

Nhóm chuyên gia người Hàn Quốc tham quan và nghiên cứu chất lượng cà phê và tiêu tại gia đình ông Đỗ Quý Toán.
Nhóm chuyên gia người Hàn Quốc tham quan và nghiên cứu chất lượng cà phê và tiêu tại gia đình ông Đỗ Quý Toán.

Mặc dù chỉ có 1 ha rẫy và 700 m2 chuồng trại chăn nuôi, nhưng với tư duy nhạy bén của mình, ông Toán tận dụng thế mạnh của Internet để bán trực tiếp nông sản cho công ty “mẹ” và người tiêu dùng, không qua đại lý trung gian nên giá thường cao hơn từ 10-20% so với thị trường.

Ông Toán cho biết, mỗi năm trang trại của ông tiếp nhận rất nhiều đơn đặt hàng sỉ và lẻ, song nguồn cung vẫn chưa đủ cầu. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Toán còn sẵn sàng hướng dẫn kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho người dân trong và ngoài tỉnh thông qua số điện thoại và trang web Nongtraitruongthanh.com. Ông còn nhận bao tiêu sản phẩm cho những hộ trên địa bàn xã Ea Na có liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.