Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập ổn định từ mô hình đa canh

09:02, 13/09/2019

Cách đây 12 năm, trên diện tích 1 ha đất canh tác của gia đình, anh Bàn Văn Quang (dân tộc Dao, ở buôn Ea Tar, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) chỉ trồng độc canh cây cà phê. Dù năng suất cà phê đạt khá cao song do giá cả thị trường bấp bênh, có thời điểm giá xuống thấp chỉ còn vài nghìn đồng/kg nên thu nhập không đáng kể, gia đình anh vẫn xếp vào diện hộ nghèo của xã.

Nhận thấy trồng độc canh một loại cây không mang lại hiệu quả, anh Quang bàn bạc với vợ trồng thêm 1.000 trụ tiêu và 80 cây sầu riêng xen canh trong vườn cà phê. Thời gian đầu, do thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật nên cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh và chết, gia đình anh phải trồng đi trồng lại nhiều lần, nhất là cây sầu riêng. Không nản chí, anh Quang chủ động tìm đến các hộ đi trước học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Dần dần, vườn cây phát triển ngày càng tốt, hạn chế được sâu bệnh, cây trồng luôn sai quả, sản lượng năm sau cao hơn năm trước.

Anh Bàn Văn Quang (giữa) giới thiệu mô hình với hộ dân đến tham quan.
Anh Bàn Văn Quang (giữa) giới thiệu mô hình với hộ dân đến tham quan.

Tích lũy được vốn, anh Quang đầu tư mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất của gia đình. Đến nay gia đình anh có 1 ha điều, 1,5 ha trồng cà phê, hồ tiêu và sầu riêng. Anh cũng mạnh dạn phá bỏ 1.000 cây cà phê già cỗi để thực hiện tái canh vườn cây nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 1 ha điều, 5 sào cà phê, 1.500 trụ tiêu, 30 cây sầu riêng của gia đình đang trong giai đoạn kinh doanh nhưng bình quân mỗi năm gia đình anh vẫn thu được 2 tấn cà phê, 5 tấn hồ tiêu, hơn 4 tấn sầu riêng… Mặc dù những năm gần đây, giá cả nhiều loại nông sản trên thị trường liên tục xuống thấp, nhất là hồ tiêu nhưng gia đình anh vẫn có nguồn thu ổn định từ 300 – 400 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí đầu tư, chăm sóc. Trong đó, riêng thu nhập từ sầu riêng, hồ tiêu đạt hơn 200 triệu đồng.

Thu nhập cao và ổn định, gia đình anh Quang không chỉ thoát được nghèo, con cái có điều kiện học hành mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền, gia đình anh còn là một trong ít hộ trong buôn mua được xe ô tô...

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Quang còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, thường xuyên vận động, giúp đỡ và hướng dẫn cho bà con trong buôn, trong xã về kiến thức khoa học kỹ thuật để cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với sự giúp đỡ của anh, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao và ổn định…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.