Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

08:42, 02/10/2019

Với phương châm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua cộng đồng các DN nói chung và DNNVV nói riêng đã có những đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 – 2020, toàn tỉnh sẽ huy động vốn đầu tư toàn xã hội là 151.000 tỷ đồng, trong đó khu vực nhà nước chiếm 23%, còn 77% còn lại là huy động từ khu vực dân cư và từ các DN. Các DN không chỉ có đóng góp lớn trong việc tạo ra của cải mà còn tạo công ăn việc làm cho lượng lớn lao động tại địa phương.

Sản phẩm của Công ty Nông nghiệp sạch M'Đrắk Farm trưng bày tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.
Sản phẩm của Công ty Nông nghiệp sạch M'Đrắk Farm trưng bày tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.

Để các DNNVV có điều kiện thuận lợi phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm gần đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh và các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN ngày càng được quan tâm, đổi mới. Cụ thể nhất là việc UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 702/QĐ-UBND, ngày 5-4-2018 về chương trình hành động thực hiện hỗ trợ DNNVV.

Theo đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ DNNVV thực hiện chính sách thuế và chế độ kế toán; tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; đổi mới công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Cụ thể hóa giải pháp đồng hành cùng DN, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng “giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí”; tăng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai hệ thống “một cửa điện tử” tại 100% cơ quan, đơn vị có thủ tục hành chính giao dịch; qua đó, đã cắt giảm được thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Chẳng hạn như thời gian giải quyết 26 thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp từ 3 ngày làm việc theo quy định xuống còn 1 ngày; thời gian giải quyết thủ tục hành chính về cấp Giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công được rút ngắn xuống còn 5 đến 10 ngày... Bên cạnh đó, tỉnh cũng ký Bản cam kết với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về “Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Bàn tư vấn thủ tục thành lập, chính sách thuế tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bàn tư vấn thủ tục thành lập, chính sách thuế tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.

Với xuất phát điểm là một cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ nhưng đến nay Công ty TNHH Huvahi ở TP. Buôn Ma Thuột đã trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị Trần Thị Nhật Anh, Trưởng Phòng Marketing – Nhân sự của công ty chia sẻ, may mắn nhất trong con đường kinh doanh của DN mình là nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía tỉnh, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư về các vấn đề tư vấn pháp lý, hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp và tạo cơ hội để DN mang sản phẩm đi kết nối với thị trường…

Trong 9 tháng năm 2019 có 860 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 10.516 tỷ đồng. Lũy kế đến nay tổng số DN hoạt động trên địa bàn tỉnh là 8.814 DN (kế hoạch đến năm 2020 là 10.000 DN)

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều năm nay, ngoài duy trì hiệu quả mô hình Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp vào sáng thứ Ba và thứ Năm hằng tuần để lãnh đạo tỉnh lắng nghe, giải quyết những khó khăn của các dự án, các DN, đồng thời trao đổi các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh... tỉnh còn tăng cường triển khai các chính sách của Trung ương như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, kế toán, mặt bằng sản xuất; miễn giảm thuế sử dụng đất; tư vấn pháp lý... cho DNNVV. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, các chương trình… về khởi nghiệp và đồng hành cùng DN.

Cùng với cách làm trên, để hỗ trợ DN, nhất là DNNVV hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã có nhiều giải pháp trong hỗ trợ kết nối bạn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới. Đồng thời, rà soát, cung cấp thông tin sản phẩm hàng hóa có thương hiệu là đặc sản vùng miền, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và thông tin các DN tiêu biểu của tỉnh để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Trong Chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp vừa được UBND tỉnh phối hợp với Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng tổ chức vào trung tuần tháng 9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đã khẳng định, quan điểm của tỉnh là luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, DN phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, phát triển ổn định. Song song với đó, tỉnh đã tạo điều kiện để Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh làm tốt vai trò cầu nối với các DN, nắm bắt nguyện vọng của cộng đồng DN một cách hệ thống và đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.