Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng đề án khuyến công

08:59, 07/10/2019

Thời gian qua, hoạt động khuyến công đã phát huy vai trò là trợ lực cho phát triển công nghiệp nông thôn. Do kinh phí bố trí cho hoạt động này hạn chế nên ngành Khuyến công đã tập trung nâng cao chất lượng các đề án được thực hiện.

Những năm trước đây, các đề án và kinh phí thực hiện được phê duyệt một lần với số lượng lớn nên việc triển khai mang tính dàn trải, khó quản lý, giám sát. Tuy nhiên bước sang năm 2019, kế hoạch khuyến công địa phương được phê duyệt thành 2 đợt, giúp việc triển khai thuận lợi hơn, bên cạnh đó, các đề án được khảo sát, thẩm định, chọn lựa kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả theo tình hình thực tế.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện 18 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh bố trí hơn 2,1 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các đơn vị thụ hưởng. Các đề án tập trung vào những nội dung chủ yếu là phổ biến, tuyên truyền chính sách khuyến công, tập huấn kiến thức sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn... Nội dung trọng tâm được ngành Khuyến công tập trung thực hiện là hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Cụ thể, có 9 đề án hỗ trợ máy móc thiết bị được xây dựng, thẩm định, phê duyệt và chuyển giao tại các huyện Krông Bông, Krông Năng, Ea Súp, Ea Kar, Ea H’leo gắn với những lĩnh vực, ngành nghề sản xuất có thế mạnh của từng địa bàn như: cơ khí, chế biến cà phê, chưng cất tinh dầu, sản xuất đá viên, nước uống đóng chai. Bên cạnh đó, các cơ sở quy mô nhỏ ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhưng tạo nhiều việc làm cho lao động và tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ là đối tượng được ưu tiên trong quá trình khảo sát, lựa chọn. Đặc biệt, quá trình thực hiện được quản lý chặt chẽ từ khâu thẩm định, chuyển giao đến ứng dụng trong thực tế, nhằm tăng chất lượng, hiệu quả các chương trình, đề án.

Dây chuyền thiết bị sản xuất đá viên được hỗ trợ cho cơ sở sản xuất tại xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar.
Dây chuyền thiết bị sản xuất đá viên được hỗ trợ cho cơ sở sản xuất tại xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar.

Theo ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), các chương trình, hoạt động khuyến công đã góp phần khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn xác định hướng đầu tư đúng đắn, có hiệu quả, từng bước nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các đề án còn gặp nhiều khó khăn trong việc khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn và khả năng xây dựng đề án; chưa có kế hoạch đồng bộ để hỗ trợ chuyển tiếp, nhân rộng sau khi thực hiện các đề án do nguồn kinh phí hạn chế.

Thời gian tới, ngành Khuyến công sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị thụ hưởng để triển khai những nội dung đảm bảo tiến độ, mục đích, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường thông qua việc tham gia những sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm. Đồng thời, tăng cường tư vấn, hỗ trợ các nhà sản xuất tìm hiểu, đầu tư máy móc, công nghệ thiết bị phù hợp để nâng cao năng lực sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở, trong đó, khuyến khích các đơn vị áp dụng công nghệ mới, ít ô nhiễm môi trường và thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Bên cạnh khuyến công địa phương, năm 2019, trên địa bàn tỉnh có một doanh nghiệp được Đề án khuyến công Quốc gia hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê hòa tan là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái (Khu công nghiệp Hòa Phú), với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Đề án hiện đã nghiệm thu và đi vào hoạt động với công suất 1.500 – 2.000 tấn/năm, sản xuất các dòng sản phẩm cà phê hòa tan đen, cà phê hòa tan phối trộn.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.