Multimedia Đọc Báo in

Tăng hiệu quả kinh tế nhờ đa dạng cây trồng, vật nuôi

14:47, 28/10/2019

Gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ) đã chủ động phá thế độc canh, thực hiện đa dạng cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Tân cho biết, toàn phường hiện có hơn 7.000 con vật nuôi; gần 1.200 ha đất sản xuất với cây trồng chủ lực là cà phê và hồ tiêu, trong đó diện tích xen canh chiếm 90%… Để định hướng cho người dân phát triển sản xuất bền vững, Hội Nông dân phường đã đẩy mạnh công tác khuyến nông nhằm tuyên truyền, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý; tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ vật tư nông nghiệp và tín chấp cho hội viên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 1,2 tỷ đồng, giúp bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm… Nhờ đó, cơ cấu nông nghiệp của địa phương có hướng chuyển đổi tích cực, giúp nhiều nông hộ vươn lên làm giàu, có điều kiện giúp đỡ hội viên khác phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi cá của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ (phường Bình Tân, TX. Buôn Hồ).  
 Mô hình nuôi cá của gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ (phường Bình Tân, TX. Buôn Hồ).

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Huệ (tổ dân phố 6) có 2 ha trồng cà phê và hồ tiêu, nhưng do canh tác đã lâu nên cây trồng kém phát triển và cho năng suất thấp. Năm 2010, nhận thấy cây sầu riêng đem lại giá trị kinh tế cao lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, ông mạnh dạn mua 100 cây giống sầu riêng Dona và Ri 6 trồng xen trong vườn. Năm 2015, khi cây sầu riêng cho thu trái ổn định, ông Huệ tiến hành nhổ bỏ số cà phê già cỗi để trồng 400 cây bơ booth, bơ hass, bơ bin và 100 cây mít Thái. Những trụ tiêu bị sâu bệnh chết được ông trồng thay thế bằng cây khoai tía cho leo giàn và tận dụng khoảng trống dưới giàn để trồng cây đinh lăng. Bao quanh vườn cây ông Huệ còn trồng xen kẽ cây cau và thanh long. Với cách làm bài bản, có tính toán, các loại cây trồng trong khu vườn của ông Huệ sinh trưởng tốt, thu hoạch rải đều quanh năm, cho sản lượng trên 50 tấn trái các loại, mang lại thu nhập ổn định.

 
“Hội Nông dân phường Bình Tân có 625 hội viên, trong đó khoảng 95% hội viên đã áp dụng mô hình đa dạng cây trồng, vật nuôi, trên 400 hội viên thành công với hướng phát triển kinh tế này với thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm, hiện chỉ còn 3 hộ thuộc diện hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,48%)”.
 
Ông Phạm Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Tân

Hay như hộ chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ (tổ dân phố 1) nhờ chuyển đổi thành công theo mô hình đa con kết hợp trồng trọt, thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, từ một hộ khó khăn hiện gia đình chị có nguồn thu ổn định 300 triệu đồng/năm. Chị Huệ cho hay: "Với 5 sào đất lúa kém hiệu quả vì thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô, năm 2014 sau khi tìm hiểu các mô hình kinh tế kết hợp, tôi quyết định thuê người đào ao trên diện tích này để nuôi cá. Sau một vụ thu hoạch, thấy hiệu quả cao hơn so với trồng lúa, do đó từ một ao ban đầu đến nay gia đình chị đã mở rộng lên 4 ao với diện tích 500 m2/ao, thả các loại cá lóc, rô phi, trắm…, cho thu 2 - 3 đợt/năm với tổng sản lượng trên 10 tấn cá". Không chỉ nuôi cá, chị Huệ còn kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo và nhím, mỗi năm xuất bán hơn 50 con heo thương phẩm. Đồng thời tận dụng phế phẩm chăn nuôi, chị duy trì trồng luân canh các loại rau trên diện tích 1 sào.

Một mô hình trồng cà phê xen canh các loại cây ăn trái của nông dân phường Bình Tân (TX. Buôn Hồ).
Một mô hình trồng cà phê xen canh các loại cây ăn trái của nông dân phường Bình Tân (TX. Buôn Hồ).

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ở phường Bình Tân đã góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích bền vững hơn nhờ đa dạng nguồn thu và chia nhỏ rủi ro, đồng thời tận dụng tối đa thời gian sản xuất, tiết kiệm đất canh tác và có thể sử dụng hiệu quả các phế phẩm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi. Đây là tiền đề để các nông hộ thực hiện phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.