Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội đổi đời từ xuất khẩu lao động

08:36, 25/11/2019

Cùng với giải quyết việc làm tại chỗ, huyện Cư Kuin đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hoạt động XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người lao động, giúp gia đình họ có đời sống tốt hơn.

Cuối năm 2017, qua chương trình phát thanh của huyện, ông Y Gruin Byă (buôn Kiết A, xã Ea Bhốk) biết về chính sách hỗ trợ XKLĐ. Sau khi tìm hiểu kỹ, ông quyết định vay ngân hàng 200 triệu đồng cho con trai Y Mai Ka Bdap (SN 1995) đi lao động ở Nhật Bản. Đến nay, Y Mai Ka đã ra nước ngoài làm việc hơn một năm, trung bình mỗi tháng em gửi về cho gia đình 20 triệu đồng. Số tiền trên, ngoài mua phân bón chăm sóc cho 1 ha hồ tiêu trồng xen cà phê, ông Y Gruin còn trả được một nửa số tiền vay ngân hàng. Mỗi khi gọi điện về cho gia đình, Y Mai Ka luôn chia sẻ về tình hình làm việc của mình bên xứ người. “Thằng Y Mai Ka đã hoàn thành kỳ thi chuyển giai đoạn và gia hạn visa lao động tại Nhật Bản lên 5 năm”, ông Gruin tự hào khoe.

Ông Y Gruin Byă (buôn Kiết A, xã Ea Bhốk) an tâm phát triển kinh tế từ số tiền người con trai đi lao động  ở Nhật Bản gửi về.
Ông Y Gruin Byă (buôn Kiết A, xã Ea Bhốk) an tâm phát triển kinh tế từ số tiền người con trai đi lao động ở Nhật Bản gửi về.

Không riêng gia đình ông Y Gruin, XKLĐ đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều gia đình ở huyện Cư Kuin. Ở xã Cư Êwi, không khó để tìm gia đình có đến 2 - 4 người đi XKLĐ. Đơn cử như gia đình ông Lưu Văn Hòa (ở thôn 1B) có 7 người con thì hai người con trai đang làm việc tại Hàn Quốc với mức thu nhập hơn 30 triệu đồng/người/tháng; mỗi tháng gửi về cho gia đình từ 45 - 50 triệu đồng. Từ số tiền các con gửi về, năm 2017 ông Hòa xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá hơn 500 triệu đồng; mua thêm đất ở và 2 ha đất rẫy. Đầu năm 2019, hai con gái của ông Hòa cũng hoàn tất hồ sơ đi XKLĐ tại Nhật Bản, hiện đang học tiếng tại TP. Hồ Chí Minh.

Bà Hoàng Thị Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êwi cho biết, năm 2017 địa phương có 12 người đi XKLĐ, năm 2018 giảm còn 9 người, thì đến năm 2019 có 45 người. Toàn xã hiện nay có 74 người đi lao động có thời hạn tại các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản... Hằng năm, mỗi  lao động gửi về cho gia đình hơn 300 triệu đồng. Nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 10,06% năm 2018 xuống còn 7,43% năm 2019. Diện mạo nông thôn của xã đã thay đổi rõ rệt. Người đi XKLĐ cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, khi về nước sẽ bổ sung cho địa phương một lực lượng lao động có kiến thức, kỹ thuật và tay nghề cao.

Xác định XKLĐ là hướng đi hiệu quả trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phòng LĐ - TB&XH huyện Cư Kuin đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về XKLĐ trên hệ thống truyền thanh, bảng tin đặt tại trụ sở UBND các xã, giúp người lao động nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ của tỉnh về XKLĐ (vay vốn, phí xuất cảnh)... Chủ động phối hợp với các công ty tuyển dụng XKLĐ uy tín tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ trực tiếp người dân để tư vấn về các đơn hàng, việc làm phù hợp, cơ chế hỗ trợ và những điều kiện cần thiết; đối thoại, giải đáp vướng mắc liên quan đến các đơn hàng XKLĐ, tạo niềm tin cho người dân khi muốn đăng ký XKLĐ. Bên cạnh đó, Phòng LĐ - TB&XH huyện còn phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, đúng quy định các thủ tục pháp lý, hỗ trợ vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhu cầu XKLĐ.

Căn nhà khang trang của gia đình ông Lưu Văn Hòa (thôn 1B, xã Cư Êwi) được xây dựng từ khoản tiền xuất khẩu lao động của các con gửi về.
Căn nhà khang trang của gia đình ông Lưu Văn Hòa (thôn 1B, xã Cư Êwi) được xây dựng từ khoản tiền xuất khẩu lao động của các con gửi về.

Theo ông Nguyễn Cảnh Hải, Phó trưởng Phòng LĐ - TB&XH huyện Cư Kuin, thị trường lao động nước ngoài hiện nay đang nở rộ, nguyện vọng đi XKLĐ của người lao động khá nhiều nhưng việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế; dân trí của người lao động nông thôn thấp, khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Do đó, các trung tâm hướng nghiệp, doanh nghiệp cung ứng lao động nước ngoài nên mở những lớp đào tạo về tay nghề, trình độ, ngoại ngữ, kinh nghiệm thi tuyển... cho người lao động địa phương.

Từ 2018 đến nay, huyện Cư Kuin có 278 người đi XKLĐ tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia..., chưa kể 45 người đang học tiếng và chờ visa. Năm 2020, huyện Cư Kuin phấn đấu đưa 70 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. 

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.