Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực cải thiện chỉ số PCI

09:25, 06/11/2019

Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh không ngừng nỗ lực để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư trong gia nhập thị trường.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo báo cáo đánh giá và Bảng xếp hạng PCI năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, năm 2018, chỉ số PCI của Đắk Lắk đạt 62,48 điểm, xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực Tây Nguyên, nằm trong nhóm tỉnh thành có chất lượng điều hành khá. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, tỉnh có 5 chỉ số thành phần được đánh giá cao là: Chi phí không chính thức, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Các doanh nghiệp được tư vấn chữ ký số tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp được tư vấn chữ ký số tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thông qua các chính sách thu hút, lãnh đạo tỉnh rất chú trọng việc tiếp đón DN đến đầu tư; các sở, ngành, địa phương luôn nỗ lực để tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến làm việc và chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành với DN như hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, kết nối DN thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thị trường cả trong và ngoài nước…; đồng thời luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân đến làm các thủ tục liên quan. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm cơ quan đầu mối cho các ngành, các cấp tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ cho DN.

Một số đơn vị như Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đã chủ động tổ chức Hội nghị đối thoại DN của ngành mình, giúp tháo gỡ phần lớn khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư. Cục Thuế tỉnh còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ miễn phí và giảm phí cho các DN mới thành lập như: hỗ trợ phí cung cấp chữ ký số qua mạng, phần mềm kế toán, dịch vụ kế toán miễn phí, dịch vụ miễn phí 6 tháng về kê khai thuế...

Hằng năm, tỉnh đều tổ chức thu thập thông tin từ các DN, nhà đầu tư để đánh giá và xếp loại công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ban, ngành, góp phần bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước với DN, doanh nhân, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong quan hệ giữa DN, doanh nhân với cán bộ công chức.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải thiện PCI của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. So với năm 2017, chỉ số PCI tuy tăng về mặt điểm số (năm 2017 đạt 62,19 điểm, năm 2018 đạt 62,48 điểm) nhưng lại giảm về mặt thứ hạng (năm 2017 đứng thứ 31/63, năm 2018 đứng thứ 40/63). Trong 10 chỉ số thành phần thì có 5 chỉ số giảm bậc và giảm điểm là: Tính minh bạch (giảm 14 bậc), Tiếp cận đất đai (giảm 23 bậc), Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 19 bậc), Tính năng động của chính quyền tỉnh (giảm 18 bậc) và Chi phí gia nhập thị trường (giảm 0,3 điểm).

Nguyên nhân chính được ghi nhận từ kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, tốc độ chuyển mình của tỉnh còn khá chậm, các TTHC, đặc biệt là thủ tục hậu đăng ký kinh doanh còn rườm rà, làm gia tăng chi phí thời gian và chi phí gia nhập thị trường của DN; tình hình tiếp cận đất đai không ổn định cũng là một rào cản trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Bàn tư vấn thủ tục thành lập, chính sách thuế tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bàn tư vấn thủ tục thành lập, chính sách thuế tại Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà cho biết, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, việc kết nối Hệ thống iGate với Hệ thống dịch vụ công về đăng ký DN, Hệ thống Quản lý cấp giấy phép lái xe và Hệ thống cấp Lý lịch tư pháp, Hệ thống quản lý đất đai Villis 2.0 còn mất nhiều thời gian do chờ hướng dẫn cách thức kết nối từ các cơ quan Trung ương. Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến không cao, đặc biệt là trong lĩnh vực đăng ký DN, đất đai… vì hầu hết các DN của tỉnh có quy mô nhỏ, trình độ quản lý của DN, khả năng tiếp cận quy định pháp lý còn hạn chế nên đa phần vẫn làm thủ tục trực tiếp tại bộ phận một cửa.

Theo chủ một DN mới thành lập năm 2019 ở huyện M’Đrắk thì để có thể chính thức đi vào hoạt động, họ phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ các giấy tờ cần thiết như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện ngành nghề kinh doanh, giấy phép quảng cáo, giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy… Hiện nay các loại thủ tục, giấy tờ chính là “gánh nặng” của không ít DN.

Một khó khăn nữa là trong thời gian qua, thực hiện Thông báo Kết luận kiểm toán số 53/TB-KTNN, ngày 19-1-2018 của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, các thủ tục đất đai, đầu tư có liên quan hầu như đều phải tạm ngừng để chờ kết luận chính thức, chưa kể việc thiếu quỹ đất, chậm giải phóng mặt bằng, chậm giải quyết TTHC về đất và “vướng” quy hoạch… đã tác động không nhỏ đến tâm lý của DN, nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số Tiếp cận đất đai và ảnh hưởng gián tiếp đến chỉ số Tính năng động của tỉnh.

Ngày 17-10-2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 8522/UBND-TH đề nghị các sở, ngành, đơn vị tập trung thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị để đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch; tiếp nhận kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm giải quyết tháo gỡ; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.