Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt kiểm soát hàng hóa dịp cuối năm

10:37, 01/11/2019
Càng về cuối năm, lưu lượng hàng hóa luân chuyển trên địa bàn tỉnh càng nhiều. Công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ đang được cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt để bảo vệ người tiêu dùng.
 
Ông Giao Thanh Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, thời gian qua, Cục đã nỗ lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, giảm thiểu các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn âm ỉ từ trước đến nay, thời điểm gần Tết lại càng có nguy cơ bùng lên. Hàng hóa vi phạm trên thị trường rất đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại và đặc biệt là “linh động” về giá cả để đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng.
 
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa lưu thông qua địa phận thị xã Buôn Hồ.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa lưu thông qua địa phận thị xã Buôn Hồ.
Đối tượng vi phạm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý. Gần đây, xuất hiện thủ đoạn lợi dụng hình thức mua bán qua mạng xã hội, các đối tượng kinh doanh cố tình bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đến người tiêu dùng. Đáng chú ý, gian thương dùng hình thức thuê các công ty, dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng hóa, trong đó có trà trộn các loại hàng cấm như: pháo nổ, thuốc lá điếu và các sản phẩm làm từ động vật quý hiếm vào cùng với hàng hóa thông thường vận chuyển trên đường để tránh sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
9 tháng năm 2019, Cục QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra 1.068 cơ sở, phát hiện và xử lý 514 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 4,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 2,3 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm tập trung vào các nhóm hàng: thực phẩm, thuốc lá, mũ bảo hiểm, quần áo, mỹ phẩm, xăng dầu, đồ điện gia dụng, phân bón, đồng hồ… 

Các tuyến Quốc lộ 14, 27, cửa ngõ ra vào TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ, huyện Ea H’leo đang là nơi các đối tượng vi phạm “nhắm" tới để tuồn hàng hóa vào tiêu thụ trên thị trường nội tỉnh. Gian thương thường vận chuyển hàng vào ban đêm, giờ cao điểm, các ngày nghỉ và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Đáng chú ý, qua kiểm tra, Cục QLTT tỉnh phát hiện một số đối tượng nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ nước ngoài về rồi sang chiết, đóng gói và dán nhãn hàng hóa ghi nơi sản xuất từ nước ngoài làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng là sản phẩm nhập khẩu chính hãng.

Để chủ động kiểm soát tình hình và ngăn chặn các hành vi vi phạm, Cục QLTT tỉnh đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Theo đó, Cục sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm trọng điểm, “đánh” vào các tuyến quốc lộ, “cửa ngõ’ trên khâu lưu thông, các địa điểm chuyên bán sỉ, kho hàng, bến bãi… để ngăn chặn kịp thời việc hàng hóa vi phạm từ các tỉnh khác “tuồn” về tiêu thụ trên địa bàn. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ…
 
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa trên xe tải lưu thông qua địa bàn huyện Krông Búk.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa trên xe tải lưu thông qua địa bàn huyện Krông Búk.
Đặc biệt, Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có 73 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri (Vương quốc Campuchia). Với đặc thù địa bàn rộng, địa hình phức tạp, khu vực biên giới, hệ thống giao thông đa dạng, thông suốt cũng tạo điều kiện thuận tiện cho các đối tượng lợi dụng để vận chuyển hàng hóa vi phạm…
 
Mới đây, Cục QLTT tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Theo đó, hai lực lượng sẽ phối hợp kiểm tra phát hiện người, phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới và nội địa; tổ chức kiểm tra, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, điều tra, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa.
 
Đỗ Lan
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.