Multimedia Đọc Báo in

Con đường làm nông nghiệp sạch của "ông chủ" 8X

07:32, 28/12/2019

Mới hơn 30 tuổi, nhưng chàng trai Nguyễn Huy Quang (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) đã gây dựng được trang trại tổng hợp quy mô lớn với hành trình làm nông nghiệp sạch đầy táo bạo.

Trang trại của gia đình anh Quang nằm sâu bên trong khu vực đồi dốc, bao quanh giữa những vạt cao su thuộc thôn 3, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo. Từ ngoài nhìn vào, trang trại trông như mai rùa khổng lồ, gồm tổ hợp vườn, chuồng đa dạng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi được quy hoạch thành các phân khu một cách bài bản, sản xuất theo hướng hữu cơ, khép kín. Toàn bộ khu đất này có diện tích 30 ha, trước đây là đất trồng cây lâu năm của nhiều hộ dân, được anh Quang mua dần nhiều đợt, năm 2018 thì sở hữu toàn bộ.

Gom được đất, anh bắt tay vào việc phá bỏ gốc cây cao su, điều già cỗi, trồng các loại cây họ đậu để cải tạo đất và tiến hành san ủi, quy hoạch, thiết kế vườn trại thành những khu vực khác nhau rồi mới bắt đầu trồng cây. Hiện, trang trại có 4.000 cây mít Thái, 25.000 cây nhàu trồng theo phương pháp hữu cơ, xen giữa là những luống hoa hướng dương vừa để tạo cảnh quan, vừa giữ nước và hút các kim loại nặng trong đất. Hệ thống ống tưới tiết kiệm được kéo đến toàn bộ vườn với những hồ nước nhân tạo được đào ở khu vực cao dự trữ nước.

Anh Nguyễn Huy Quang (bên phải) kiểm tra trại nuôi giun quế.
Anh Nguyễn Huy Quang (bên phải) kiểm tra trại nuôi giun quế.

Bên cạnh trồng cây, hệ thống chuồng trại khép kín được xây dựng bài bản tại khu vực riêng biệt gồm trại nuôi heo rừng, chim cút và quy mô nhất là trại nuôi giun quế quy mô 3.000 m2. Nguồn phân thải chăn nuôi dùng để phục vụ việc nuôi giun, ngược lại, giun được thu làm thức ăn cho các loại vật nuôi và làm phân bón cho cây trồng. Nguồn thu từ các loại vật nuôi (và một phần từ vườn nhàu cho thu bói) giúp anh Quang trang trải chi phí sản xuất, nhân công hằng ngày. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ giống giun miễn phí cho người dân trong vùng với số lượng 1 tấn/hộ, sau 4 tháng, giun sinh sản và cho thu nhập mới phải hoàn lại con giống.

 
“Đôi khi nghĩ lại em cũng thấy mình liều lĩnh, nhưng đã dấn thân vào nông nghiệp là phải chấp nhận mạo hiểm, dám đương đầu với khó khăn và kiên trì 5 năm, 10 năm mới có được thành quả”.
 
Anh Nguyễn Huy Quang

Sinh năm 1988, đã sở hữu cơ ngơi hàng chục héc-ta với vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, nhưng hầu hết đều là tiền đi vay, vậy mới thấy chàng trai này quả là người táo bạo đến mức "liều lĩnh". Chưa kể anh cũng là dân tay ngang làm nông nghiệp vì đang là cán bộ một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện. Để phát triển trang trại tổng hợp theo hướng bền vững, anh tìm cộng sự là những người tin tưởng, có tâm huyết và kiến thức về nông nghiệp, nhất là am hiểu về nông nghiệp hữu cơ về phụ trách kỹ thuật, thú y và quản lý trang trại.

Nhưng bỏ số tiền lớn đầu tư, trong khi phần lớn các loại cây trồng chưa cho thu nhập đáng kể, tiền đâu duy trì sản xuất và trả nợ ngân hàng? Cơ sở cho sự "liều lĩnh" của Quang chính là khu trại bò cách đó không xa. Trại có quy mô 200 con bò Úc nuôi thịt và sinh sản, được xây dựng liên hoàn khép kín, sạch sẽ và không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi năm trang trại này xuất bán gần 100 con bò thịt và 40 con bê giống tại thị trường trong và ngoài tỉnh, thu nhập hàng trăm triệu đồng, là nguồn thu nhập chủ yếu của  trang trại.

Trang trại nuôi bò Úc của anh Quang.
Trang trại nuôi bò Úc của anh Quang.

Với mô hình cây, con tổng hợp, trang trại của anh Quang là một trong những trang trại có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Ea H’leo, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật của trang trại còn tư vấn, hỗ trợ người dân địa phương về canh tác hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học. Ông chủ 8X chia sẻ, thời gian tới, anh sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển các sản phẩm từ cây nhàu để cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu đi Hàn Quốc, đồng thời, phát triển thêm dịch vụ du lịch văn hóa gắn với nông nghiệp để tăng nguồn thu nhập.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.