Multimedia Đọc Báo in

Làng rau Khánh Xuân tất bật vào vụ Tết

10:01, 09/12/2019

Ðể có nguồn rau xanh cung ứng cho thị trường Tết, từ đầu tháng 11 âm lịch, nông dân trồng rau ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) – vựa rau lớn nhất trên địa bàn thành phố bắt đầu làm đất, xuống giống với hy vọng một vụ mùa được giá.

Dù vẫn trồng và chăm bón rau quanh năm, vụ nọ gối vụ kia, thế nhưng vụ rau Tết vẫn được bà con nông dân chú trọng nhất bởi đây là thời điểm rau bán ra “chạy” và được giá hơn. Gia đình ông Hồ Đình Hoa (tổ dân phố 12) đang gieo hạt một số loại rau trên diện tích 5 sào đất, chủ yếu là rau thơm các loại, gồm: tía tô, kinh giới, mùi…

Với kinh nghiệm trồng rau hơn 20 năm, ông Hoa hiểu đặc thù từng mùa, tùy thời tiết mà chọn giống rau phù hợp cũng như chủ động nước tưới, vì vậy, gia đình chưa bao giờ mất vụ rau dù trồng trong mùa mưa. Không phải chăm sóc kỹ như các loại rau khác nhưng rau thơm thường bị sâu quấn lá và rệp trắng nên người trồng phải thăm vườn thường xuyên để phòng, trị bệnh kịp thời. Cùng với đó, ông đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng, chăm sóc từ khâu chọn giống, tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Với 5 sào đất trồng rau thơm các loại đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá ổn định, trong đó mùa rau Tết cho thu nhập cao hơn hẳn.

Vườn rau thơm của gia đình ông Hồ Đình Hoa (bên trái) hằng ngày bán ra thị trường.
Vườn rau thơm của gia đình ông Hồ Đình Hoa (bên trái) hằng ngày bán ra thị trường.

Gia đình bà Dương Thị Tĩnh (tổ dân phố 12) chủ yếu trồng các loại rau ăn lá như xà lách, cải thìa, cải thảo, cải cúc trên diện tích 3 sào đất. Thời điểm này, bà đang làm đất chuẩn bị gieo hạt xà lách và các loại cải để kịp vụ Tết. Tùy theo từng loại rau, thời gian trồng khác nhau như cải thảo từ khi gieo đến khi thu khoảng 40-50 ngày, cải cúc 30-40 ngày, xà lách khoảng 40 ngày…

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, gia đình bà chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng cũng như tuân thủ thời gian cách ly đúng quy định trước khi thu hoạch nhằm tạo nguồn sản phẩm an toàn. Hiện tại, trung bình mỗi ngày gia đình bà bán ra thị trường khoảng 1 tạ rau các loại, cho thu nhập từ 400.000 – 500.000 đồng.

Bà Tĩnh chia sẻ: “Thời điểm Tết, nhu cầu tiêu thụ rau tăng mạnh nên nhà vườn trồng rau gì cũng dễ bán, đặc biệt là các loại rau ăn lẩu như cải cay, mồng tơi, cải thảo, cải cúc và các loại rau thơm… Tùy từng loại rau như su hào, bắp cải, cà rốt thời gian sinh trưởng dài thì phải trồng từ tháng 9 âm lịch; với rau ngắn ngày như ngò, xà lách, cải cúc, cải thìa… thì tầm tháng 11 âm lịch bởi nếu để quá lứa vài ngày rau sẽ già, khó bán mà thu hoạch sớm thì sẽ thất thu”.

Gia đình ông Hồ Đình Hoa chuẩn bị đất để gieo hạt một số loại rau thơm.
Gia đình ông Hồ Đình Hoa chuẩn bị đất để gieo hạt một số loại rau thơm.

Ở phường Khánh Xuân, phần lớn các hộ dân đều có vườn trồng các loại rau, trước là phục vụ nhu cầu của gia đình, sau là kiếm thêm thu nhập, tập trung ở tổ dân phố 5, 8, 10, 12, 13. Mong muốn lớn nhất của bà con là thị trường tiêu thụ ổn định, rau được giá; đồng thời có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Với khoảng 160 ha đất trồng rau các vụ mỗi năm, phường Khánh Xuân được biết đến là vựa rau lớn, cung cấp rau xanh cho thị trường trong và ngoài TP. Buôn Ma Thuột. Riêng vụ mùa Tết, địa phương gieo trồng khoảng 55 ha rau các loại.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.