Multimedia Đọc Báo in

Phát triển du lịch bên dòng Sêrêpốk đối mặt với nhiều thách thức

18:37, 26/12/2019

Nơi dòng sông Sêrêpốk đi qua đã hình thành nên nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thu hút một lượng khách du lịch lớn cho Đắk Lắk. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch dọc theo hệ sinh thái của sông đang đối mặt với nhiều thách thức do việc khai thác quá mức trên dòng sông.

Sông Sêrêpốk được hình thành hoàn toàn trên địa phận Đắk Lắk và được hợp thành từ hai dòng sông nhỏ là sông Krông Ana và sông Krông Nô. Sông chảy qua các huyện Krông Ana, Buôn Đôn và Ea Súp của Đắk Lắk rồi chảy sang đất Campuchia trước khi nhập vào sông Mê Công. Sêrêpốk là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắk Lắk, đây là một phụ lưu quan trọng của sông Mê Công.

Trên dòng sông lớn Sêrêpốk có đến 4 dòng thác lớn: Dray Sap Thượng, Dray Sap Hạ, Dray Nur, Trinh Nữ, cùng rất nhiều dòng thác nhỏ được hình thành nối tiếp nhau, đẹp mơ màng kỳ vĩ. Những thác nước này là điểm tham quan du lịch nổi tiếng, luôn được khách yêu thiên nhiên kỳ thú từ các nơi trong và ngoài nước tìm đến. Dòng sông lớn Sêrêpốk với nguồn nước đầy đặn thường xuyên, quanh năm còn đem lại nguồn năng lượng điện khá lớn cho cả nước... Không phủ nhận việc đầu tư các dự án thuỷ điện trên địa bàn đã đem lại những hiệu quả tích cực. Các dự án đã góp phần bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia, đem lại nguồn thu cho ngân sách địa phương. Việc vận hành các nhà máy thuỷ điện tuân thủ các quy định theo quy trình vận hành hồ chứa và điều độ hệ thống điện quốc gia...

ảnh
Cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk là một trong những sản phẩm du lịch thu hút du khách của Buôn Đôn

Tuy nhiên, việc khai thác quá mức dòng chảy của sông Sêrêpốk và các chi lưu của nó cũng là điều làm nhiều người phải quan ngại đến hệ sinh thái mỏng manh của dòng sông. Dọc theo dòng sông, hiện tại đã có rất nhiều các công trình thủy điện mọc lên với mật độ dày như thủy điện Krông Kmar (thị trấn Krông Kmar, Krông Bông), thủy điện Buôn Kuốp (xã Hòa Phú, huyện Cư Jút, Đăk Lăk), Đray H'linh 1, Đray H'linh 2 (Cư Jút), Buôn Tua Srah (Lắk), Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 4A (Buôn Đôn)... Các công trình thủy lợi chặn dòng như Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ... đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái cũng như các danh lam thắng cảnh dọc trên dòng sông.

Đơn cử như công trình thủy điện Sêrêpốk 4A ngăn dòng, chuyển nước sang khu vực khác để phát điện, làm hơn 20 km sông Sêrêpốk chảy qua khu vùng lõi vườn Quốc gia Yok Đôn và du lịch văn hóa, sinh thái Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) cạn trơ đáy vào mùa khô. Ảnh hưởng nặng nề nhất là khu du lịch thác Bảy nhánh (ở buôn N’Drêch, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn). Đây là một thắng cảnh đẹp, một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Hàng năm, khu du lịch này đón khoảng trên 15.000 du khách đến đây tấp nập để được đứng trên cầu treo ngắm nhìn dòng nước chảy, cưỡi voi khám phá các đảo hoang... Tuy nhiên, sau khi bị nắn dòng, đoạn sông Sêrêpôk chảy qua đây nước rất ít, vào mùa khô thì cạn trơ đáy khiến thác Bảy nhánh chỉ là một bãi đá khô khốc với những rặng si cổ thụ héo quắt vì thiếu nước. Không có nước chảy qua nên nhiều sản phẩm du lịch như đi thuyền độc mộc, câu cá, khám phá đảo hoang... cũng dần "chết" theo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn tác động xấu đến sinh cảnh, môi trường nơi đây. Đồng thời, khiến địa danh Buôn Đôn, nơi được nhiều người biết đến với quần thể du lịch sinh thái bên dòng Sêrêpốk hùng vĩ đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ dần.

ảnh
Một đoạn sông Sêrêpốk chạy qua khu du lịch Buôn Đôn sau khi được nắn dòng. (Nguồn internet)

Theo Sở Công thương Đắk Lắk, trên lưu vực sông Sêrêpốk đã có 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt 841MW, các nhà máy thủy điện đều được xây dựng bậc thang trên các dòng sông… Để giảm thiểu các tác động tiêu cực do thủy điện gây ra, việc phát triển thủy điện gắn với các lợi ích về tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái… cũng phải được các cấp quan tâm hơn nữa. Đối với Đắk Lắk, ngành công nghiệp thủy điện và du lịch đều quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hai ngành này cùng phát triển hài hòa, cùng khai thác tốt tiềm năng của dòng Sêrêpốk đem lại nhiều lợi ích cho đồng bào các dân tộc, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những tác động đến môi trường, Sở Công thương Đắk Lắk đề xuất UBND tỉnh cho xây dựng một con đập chặn ngang dòng sông tại khu vực buôn Trí A, Krông Ana, Buôn Đôn để giữ nước cho đoạn sông bị khô kiệt. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đắk Lắk, việc xây dựng đập giữ nước tại khu vực bến Tha Luống cần phải được các cơ quan chức năng nghiên cứu, tính toán và đánh giá về mặt kỹ thuật, kinh tế – xã hội, các yếu tố ảnh hưởng đối với việc phát điện của các nhà máy thủy điện, đối với chế độ dòng chảy của sông Sêrêpốk qua Campuchia…

Minh Thuận

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.