Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Chăn nuôi heo rừng lai phát triển mạnh

08:54, 31/12/2020

Tận dụng diện tích vườn nhà và nguồn thức ăn sẵn có để nuôi thả heo rừng lai, nhiều nông hộ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã tìm được hướng đi ổn định để phát triển kinh tế gia đình.

Có 17 ha đất trồng cà phê, các loại cây ăn quả và cây rừng, mỗi năm gia đình bà Trần Thị Thủy ở thôn 5 (xã Hòa Thắng) thu về khoảng 300 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tận dụng lợi thế về đất đai, năm 2010 gia đình bà Thủy mua 10 con heo rừng lai về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm, lại không hiểu được đặc tính, cách ăn uống, sinh sản của loài vật này, bà đã làm chuồng nuôi nhốt, nấu cám cho ăn nên đàn vật nuôi chết dần, chỉ còn lại 1 con. Bà tự lên mạng internet mày mò học hỏi thêm kinh nghiệm của một số trang trại để tìm ra hướng chăm sóc tốt nhất.

Lãnh đạo Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột thăm trang trại chăn nuôi heo rừng lai và gà thả vườn của gia đình bà Trần Thị Thủy (xã Hòa Thắng).
Lãnh đạo Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột thăm trang trại chăn nuôi heo rừng lai và gà thả vườn của gia đình bà Trần Thị Thủy (xã Hòa Thắng).

Sau khi rào xung quanh rẫy, mua thêm con giống thuần chủng, bà Thủy nuôi theo hình thức vừa nhốt, vừa thả, tập cho heo quen dần với môi trường tự nhiên để tăng sức đề kháng. Đến nay, đàn heo của gia đình bà phát triển được 27 con heo nái, trung bình mỗi năm sinh sản khoảng 400 con heo thịt. Bà Thủy cho biết, giá heo thương phẩm tăng từ 100.000 đồng/kg lên 120.00 đồng rồi 150.000 đồng/kg và đến giáp Tết sẽ tăng cao hơn nữa. Hiện nay trang trại còn 100 heo thịt và 80 heo con đều đã có mối đặt mua, nhiều người hỏi nhưng không còn hàng bán.

Để duy trì đàn heo rừng lai phát triển ổn định, bà Thủy đã tập trung cho khâu chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, thực hiện tiêu độc khử trùng và rắc vôi bột xung quanh trang trại nhằm đề phòng lây lan dịch tai xanh, dịch tả heo châu Phi. Theo bà Thủy, một con heo rừng lai từ khi nuôi đến khi xuất bán thương phẩm từ 9 tháng đến 1 năm, trọng lượng đạt 35 - 40 kg. Còn heo giống nuôi khoảng 3 tháng, trọng lượng 8 - 10 kg là có thể bán. Mặc dù thời gian nuôi khá dài nhưng nhờ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như các loại rau, củ, quả, cây chuối, bắp, lúa... đã giảm được chi phí chăn nuôi và các lứa heo “gối đầu” liên tục nên gia đình thường xuyên có heo xuất bán.

Trang trại chăn nuôi heo rừng lai của gia đình anh Đinh Văn Thành ở khối 5, phường Thành Nhất.
Trang trại chăn nuôi heo rừng lai của gia đình anh Đinh Văn Thành ở khối 5, phường Thành Nhất.
 
"Nuôi heo rừng lai không khó, chỉ cần hiểu tập tính của chúng, nguồn thức ăn cũng dễ kiếm, không sử dụng cám công nghiệp lại nuôi thả tự nhiên nên khách hàng rất ưa chuộng, đầu ra thuận lợi, nhất là vào thời điểm giáp Tết năm nay giá tăng cao và đang bị “cháy hàng”.
 
Anh Đinh Văn Thành ở khối 5, phường Thành Nhất

Tương tự, trước đây đời sống của gia đình anh Đinh Văn Thành ở khối 5, phường Thành Nhất phụ thuộc vào 1 sào đất trồng rau xanh nên khá chật vật. Năm 2014, tình cờ biết đến mô hình nuôi heo rừng lai, anh Thành quyết định “liều” vay mượn tiền xây tường bao xung quanh vườn, lặn lội sang tận Đắk Nông mua 5 heo nái và 1 heo đực giống về chăn nuôi.

Ban đầu, cứ xin được cơm thừa canh cặn, rau, củ, quả phế phẩm anh Thành đổ trực tiếp vào cho heo ăn. Vì vậy, nhiều con thường xuyên bị tiêu chảy. Rút kinh nghiệm, anh xây một khu bếp nhỏ ngay cạnh trang trại chăn nuôi để nấu kỹ thức ăn thừa, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh. Nhờ vậy, đàn vật nuôi phát triển tốt, đến nay gia đình anh có 11 heo nái, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 100 heo giống và heo thương phẩm, trừ chi phí cũng có lãi vài trăm triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột Y Sit Hmok cho biết, thời gian qua, chăn nuôi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột phát triển mạnh, trong đó có cả chăn nuôi heo rừng lai, heo bản địa. Đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người chăn nuôi và gây khó khăn trong việc duy trì đàn, tái đàn, nguồn cung cho thị trường giảm. Nhờ phương thức nuôi thả tự nhiên, cách ly, thực hiện vệ sinh phòng dịch tốt và đặc tính của loài heo rừng lai có khả năng kháng bệnh cao nên trong đợt “bão dịch” đó, các trang trại chăn nuôi heo rừng không bị lây dịch bệnh, hiện nay giá bán rất cao, giúp người chăn nuôi heo rừng thu lợi nhuận lớn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.