Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn 10 năm xây dựng nông thôn mới

07:24, 27/01/2020

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Toàn tỉnh đã có 43 xã đạt chuẩn NTM (vượt kế hoạch đề ra 3 xã).

Đáng chú ý là kết cấu hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn; đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới

Theo Ban Điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, đến thời điểm này có thể khẳng định đây là chương trình thành công nhất trong các chương trình mục tiêu quốc gia. NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng quê hương. Đặc biệt, từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, đã chuyển sang chủ động, xác định rõ lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng, xác định được vai trò chủ thể của cộng đồng tự lựa chọn công trình, phần việc thiết thực, phù hợp để xây dựng NTM tại địa phương. Tính từ năm 2011-2019, các hộ dân trên địa bàn tỉnh đã hiến 1.140.000 m2 đất; đóng góp 1.667 tỷ đồng; 212.000 ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.

Đoàn công tác của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thăm con đường hoa nông thôn mới ở xã Ea Mnang (huyện Cư M’gar).
Đoàn công tác của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thăm con đường hoa nông thôn mới ở xã Ea Mnang (huyện Cư M’gar).

Đặc biệt, qua phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM”, các địa phương đã khơi dậy, phát huy được nội lực trong nhân dân. Điển hình như HTX Nông nghiệp sản xuất TMDV Minh Toàn Lợi (huyện Krông Năng), trước tình cảnh đường nội đồng đi lại khó khăn làm ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển nông sản của nông dân, HTX đã đứng ra tuyên truyền, vận động nhân dân và thành viên HTX hiến đất, đóng góp vốn để xây dựng đường giao thông nội đồng có chiều dài 1,5km với tổng kinh phí trên 3,6 tỷ đồng. 

Tương tự, nhân dân xã Cư Ni (huyện Ea Kar) cũng đã hiến 14.300 m2 đất, góp công lao động, với tổng số tiền khoảng 6,3 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn... Theo Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM của xã, cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng (thôn, xã) đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, sự tham gia của người dân, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn xã hội thực hiện Chương trình xây dựng NTM. 

Đột phá trong thay đổi mô hình sản xuất

Một trong những địa phương có những đột phá về phát triển mô hình chuỗi là huyện Krông Pắc. Huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ đó hình thành được các mô hình nông nghiệp làm cơ sở để nhân rộng, điển hình như mô hình trồng chuối xuất khẩu tại xã Vụ Bổn. Ngoài ra, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã đầu tư các dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại trên cơ sở một phần vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước như: dây chuyền chế biến mắc ca tại HTX VietFarm; máy chế biến cà phê ướt; quy trình sản xuất rau và sầu riêng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; quy trình chưng cất tinh dầu sả... Qua đó, đã tác động tích cực đến sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện. Nhiều mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi được hình thành và khẳng định hiệu quả trong thực tiễn. Giá trị sản xuất tăng 1,5 - 2 lần và thu nhập của người sản xuất tăng 30 - 40% so với sản xuất thông thường. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2019 ước đạt 42 triệu đồng/người, tăng 26 triệu đồng so với trước khi thực hiện xây dựng NTM. Đặc biệt năm 2019, huyện đã triển khai thực hiện dự án xây dựng chứng nhận VietGAP và truy xuất nguồn gốc cho 425 ha sầu riêng trên địa bàn (tại xã Ea Yông và xã Ea Kênh). Trong những năm tiếp theo, huyện sẽ triển khai xây dựng đề án xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bơ, sầu riêng và một số nông sản chủ lực khác trên địa bàn toàn huyện.

Vườn trái cây VietGAP theo hướng liên kết chuỗi sản xuất ở xã Cư Êlang (huyện Ea Kar)
Vườn trái cây VietGAP theo hướng liên kết chuỗi sản xuất ở xã Cư Êlang (huyện Ea Kar).

Theo ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM của tỉnh, phát triển kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Theo đó, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan đến liên kết sản xuất, góp phần thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh phát triển. Đến nay, có 107/152 xã đạt tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất), tăng 81 xã so với năm 2011.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Đắk Lắk tiếp tục xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là then chốt; người nông dân là chủ thể. Theo đó, trong giai đoạn 2012-2025, Đắk Lắk phấn đấu lũy kế có 20% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; có 60% số xã (91 xã) đạt chuẩn NTM;  không còn xã dưới 10 tiêu chí…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.