Khởi sắc Ea Lang
Thôn Ea Lang, xã Cư Pui (Krông Bông) được thành lập năm 2007, gồm 140 hộ, 874 khẩu với đa số là đồng bào Hmông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào từ những năm 1997. Khởi đầu với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đến nay thôn Ea Lang đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư ở các xã vùng sâu huyện Krông Bông.
Khi mới thành lập, Ea Lang được biết đến là thôn “nhiều không”: không điện, không đường, không trường, không sóng điện thoại, không nước sinh hoạt; nhà cửa nhếch nhác, tạm bợ; tình trạng sinh đông con, tảo hôn rất phổ biến. Sau khi được đưa vào vùng Dự án sắp xếp ổn định dân di cư, thôn Ea Lang và 4 thôn đồng bào Hmông đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ các chương trình, dự án để làm đường giao thông, điện, trường học, nhà ở.
Đến nay 100% hộ trong thôn đã được dùng điện lưới quốc gia; trên 95% đường giao thông liên xóm, nội vùng đã được bê tông hóa; tỷ lệ nhà ở tạm bợ còn dưới 10%; nhiều cửa hàng, dịch vụ mọc lên. Đặc biệt, trong 5 năm qua thôn Ea Lang đã được đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng 1 trường Tiểu học và 1 trường THCS cao tầng, tạo thuận lợi cho hơn 1.000 học sinh thôn Ea Lang và các thôn lân cận đến trường.
Ông Lò Văn Sính, người dân trong thôn phấn khởi: “Trước đây các cháu phải học trong những căn phòng tạm do người dân tự làm. Giờ thì đã được học trong những phòng học cao tầng, đẹp đẽ, khang trang, chắc chắn, phụ huynh ai cũng vui mừng”.
Đường nội vùng thôn Ea Lang đã được bê tông hóa sạch đẹp. |
Kinh tế của người dân thôn Ea Lang đã dần ổn định. Thôn có 223 ha đất trồng trọt với đa dạng cây trồng như lúa nước, ngô lai, sắn, dứa, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bằng việc thay đổi cách nghĩ, cách làm. Người dân trong thôn đã chủ động đầu tư xây dựng các mô hình nuôi bò, trâu nhốt chuồng mang lại lợi nhuận cao; nhiều gia đình đã chuyển đổi cây trồng cho thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Như gia đình anh Dương Văn Soan, trước đây gần 2 ha đất được anh trồng ngô lai, giá cả bấp bênh nên thu nhập thấp. Năm 2013 anh đã mạnh dạn chuyển đổi trồng 1.400 cây cà phê; đến nay trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Gia đình anh Soan đã mua được xe máy, ti vi, máy cày, mua được trâu nuôi để phát triển kinh tế.
Dù chưa hết khó khăn về kinh tế song trong những năm qua, bà con thôn Ea Lang luôn sẵn sàng chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, người dân trong thôn đã hiến hàng trăm ngày công, hơn 2.000 m2 đất làm đường giao thông, đóng góp hơn 300 triệu đồng tiền mặt mua đất làm trường học, làm nơi sinh hoạt của thôn. Vừa qua bà con mỗi hộ đóng góp 1,8 triệu đồng mua đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn.
Phụ nữ Hmông thôn Ea Lang trong trang phục truyền thống mừng xuân mới. |
Từ năm 2015, người dân thôn Ea Lang đã thành lập tổ tự quản an ninh trật tự - mô hình tự quản đầu tiên của xã vùng sâu Cư Pui. Từ khi được thành lập đến nay, tổ đã duy trì hoạt động rất hiệu quả bằng nguồn kinh phí tự đóng góp. Để bảo tồn văn hóa truyền thống, vào dịp đầu xuân hằng năm, người dân thôn Ea Lang cùng với các thôn đồng bào Hmông trong xã Cư Pui lại tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc với các hoạt động như: biểu diễn văn nghệ, múa khèn, đàn tính, ném còn, biểu diễn trang phục truyền thống... thu hút đông đảo du khác.
Với nỗ lực chung tay xây dựng quê hương mới, thôn Ea Lang đã vinh dự là thôn đồng bào di cư đầu tiên của huyện Krông Bông được công nhận Thôn văn hóa vào năm 2019.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc