Multimedia Đọc Báo in

Mạch nguồn cà phê Việt

07:21, 27/01/2020

Với mục tiêu chinh phục người tiêu dùng toàn cầu, các tác nhân ngành cà phê đã và đang nỗ lực gây dựng mối kết nối trong, ngoài nước nhằm tận dụng lợi thế ngành hàng, xu thế toàn cầu hóa để hội nhập. 

Hội nhập

Cách đây khoảng 20 năm, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, thứ nhất về cà phê Robusta. Đó là kết quả của sự nỗ lực chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê.

Tuy nhiên, thời cuộc dần thay đổi khi người tiêu dùng chuyển hướng ưu tiên về chất lượng, hương vị và câu chuyện hội nhập trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy vậy, với sự kết nối, đồng tâm từ nông dân đến nhà chế biến, xuất khẩu, tình thế đang dần có những chuyển biến tích cực khi phong trào cà phê đặc sản lan tỏa khắp cả nước. Bởi, trong ngành cà phê toàn cầu, cà phê đặc sản đã xuất hiện gần 60 năm và khái niệm cà phê đặc sản đã tồn tại hơn 40 năm, các tổ chức cà phê đặc sản đã hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đã có những sản phẩm cà phê sản xuất tại Việt Nam tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại chuyên ngành về cà phê đặc sản trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ đến khi tổ chức thành công Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế về thử nếm cà phê trong vai trò giám khảo thì người tiêu dùng toàn cầu mới biết rằng, nếu sản xuất đúng quy trình kỹ thuật thì cà phê Robusta của Việt Nam vẫn đạt được các tiêu chí cà phê đặc sản thế giới.

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam tại Nhật Bản.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam tại Nhật Bản.

Phong trào cà phê đặc sản phát triển và bùng nổ vài năm trở lại đây đã tác động mạnh mẽ đến cách thức, phương pháp sản xuất cà phê của người Việt. Cẩn trọng trong khâu lựa chọn vật tư đầu vào, chăm chút vườn cây thường xuyên, thu hái có chọn lựa và chế biến đúng kỹ thuật đã từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cà phê trên cả nước.

Đầu năm 2019, từ 25 lô cà phê đặc sản được vinh danh qua Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam, nhà sản xuất lại sơ chế, chế biến ra nhiều sản phẩm thành phẩm theo từng phân cấp chế biến như cà phê nhân xanh, cà phê rang mộc, cà phê rang xay… để tăng cường sự nhận diện và gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê đặc sản Việt Nam. Một số lô hàng được các nhà rang xay trong nước mua trọn gói với giá cao gấp 3 lần so với cà phê thông thường để phục vụ người sành cà phê tại các chuỗi cửa hàng trên cả nước. 

Phát triển

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, niên vụ 2018-2019, cả nước có khoảng 50 nhà sản xuất là doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất khoảng 200 tấn cà phê đặc sản. Niên vụ 2019-2020 số lượng nhà sản xuất, sản lượng và chất lượng cà phê đặc sản được dự báo tiếp tục tăng cao khi doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê ngày càng quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp cũng như trình độ sản xuất của nông dân.

Đội ngũ chuyên gia đánh giá chất lượng hiện có hơn 50 người có chứng chỉ do Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA), Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI) cấp. Một số Coffee Lab có đầy đủ trang thiết bị đánh giá chất lượng tại các đơn vị kiểm định chất lượng, trường nghề, công ty rang xay; việc tổ chức các cuộc thi pha chế, thử nếm, rang cà phê nội bộ tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê thường xuyên đã từng bước nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực của ngành hàng…

Tháng 9-2019, gần 70 đại biểu đại diện cho các tác nhân trong ngành cà phê Việt Nam đã đồng thuận hợp tác thành lập Chi hội Cà phê đặc sản.

Với nét đặc thù về địa hình và văn hóa tại các vùng sản xuất cà phê trên cả nước, Việt Nam đã và đang chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu cho cà phê. Đơn cử như Chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La, nhãn hiệu chứng nhận đối với Cà phê Di Linh, Cà phê Cầu Đất, nhãn hiệu tập thể cà phê Khe Sanh… Với hơn 203.000 ha cà phê, Đắk Lắk tiếp tục giữ vị thế về thủ phủ cà phê của Việt Nam, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê. Vùng cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột tiếp tục phát triển mạnh khi có sự kết nối chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong 18 mẫu cà phê Robusta được vinh danh tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 có đến 13 mẫu của 7 đơn vị thuộc vùng Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột. Theo phản ánh của các đơn vị, sản lượng tham gia dự thi và đạt tiêu chuẩn đặc sản chỉ 17,3 tấn nên giá cao gấp 2,5 lần so với cà phê thông thường mà tiêu thụ vẫn rất dễ dàng do cung chưa đủ cầu. 

Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn đặc sản tại một nông trại ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn đặc sản tại một nông trại ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Là một trong những mắt xích của ngành cà phê toàn cầu, hiện tại cà phê đặc sản vẫn còn phôi thai, nhưng với tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng tạo ra cà phê không chỉ sạch mà còn ngon đạt chuẩn đặc sản quốc tế đã và đang thay đổi góc nhìn của người tiêu dùng thế giới về cà phê Robusta Việt Nam.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.