Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị cà phê thương mại: Bắt đầu từ đâu?

09:05, 04/02/2020

Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người trồng cà phê cả nước có thêm cơ hội kết nối, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nhằm nâng cao chất lượng cà phê.

Thí nghiệm nhỏ của nông dân

Thời gian gần đây, một nông dân ở Tây Nguyên có tài khoản facebook Ha Nguyen chia sẻ trên mạng xã hội một thí nghiệm nhỏ liên quan đến vấn đề thu hoạch cà phê, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Người làm thí nghiệm đã hái ngẫu nhiên 39 trái cà phê chín và 39 trái cà phê xanh trên cùng một cành cà phê để cân, kết quả cho thấy tổng trọng lượng của 39 trái cà phê xanh là 43,2 g, còn 39 trái cà phê chín là 54,3 g. Với cách tính toán này, nếu hái xanh 39 trái cà phê, nông dân sẽ bị hao hụt 11,7 g so với hái chín. Đồng tình với thí nghiệm này, tài khoản Nam Phan chia sẻ, quy ra cà phê nhân cũng vậy, cứ mỗi tấn cà phê hái xanh sẽ bị hao khoảng 213 kg so với hái chín...

Người dân tham quan mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao tại thị xã Buôn Hồ.
Người dân tham quan mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao tại thị xã Buôn Hồ.

Câu chuyện cà phê hái xanh sẽ giảm năng suất, chất lượng lâu nay vẫn được ngành chức năng và doanh nghiệp đề cập, nhưng một số nông dân vẫn ngại thay đổi thói quen này. Nhiều người phân trần, nếu hái chín nông hộ sẽ tốn nhiều chi phí hơn vì tốn nhân công thu hoạch, bảo vệ vườn cây. Có người lại cho rằng, không thể so sánh như thí nghiệm trên bởi số quả đem cân còn quá ít, chưa đủ số lượng cần thiết của một thí nghiệm khoa học và việc chênh lệnh khối lượng nói trên chủ yếu là hàm lượng nước trong quả và vỏ quả. Mỗi ý kiến đưa ra dựa theo góc nhìn, kinh nghiệm sản xuất của mỗi người nhưng nhìn chung, kết quả và phương thức đưa ra trong thí nghiệm trên không phải không hợp lý.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nông dân ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng cà phê bằng cách hái lựa trái chín theo từng đợt nhưng số nông hộ thu hái đồng loạt một lần cho cả mùa vụ vẫn còn nhiều. Trong khi đó, việc hái xanh không chỉ khiến năng suất giảm mà còn làm giảm chất lượng thử nếm toàn lô hàng. Bởi cà phê có cấu trúc nhân xoắn, càng chín càng xoắn và dung trọng cao hơn. Việc đánh giá chất lượng cà phê lại dựa vào dung trọng của hạt, dung trọng càng cao trọng lượng hạt càng nặng và chất lượng càng tốt.

Nâng cao chất lượng từ khâu thu hoạch

Theo phân cấp thị trường, cà phê được phân loại theo cách thức buôn bán gắn với giá cả đi kèm. Theo đó, cà phê thương mại là cà phê được buôn bán theo sự thỏa thuận về chất lượng của người bán và người mua, giá cả được quyết định dựa trên tham chiếu trên sàn London. Hiện tại, khoảng 98% sản lượng cà phê Việt Nam được buôn bán theo cách thức này. Ngoài cách thức giao hàng, phương thức thanh toán, giá bán, hợp đồng mua bán còn có các yêu cầu về chất lượng lô hàng. Để đáp ứng yêu cầu của bên mua, bên bán thường thuê các đơn vị kiểm định chất lượng độc lập thử nếm trước khi xuất khẩu. Hạt đen, lỗi do thu hái cà phê xanh và chế biến không đúng kỹ thuật là vấn đề nan giải đối với nhà thu mua cà phê hiện nay.

Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột sàng lọc cà phê sau thu hoạch.
Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột sàng lọc cà phê sau thu hoạch.

Theo đánh giá của một doanh nghiệp xuất khẩu uy tín tại Đắk Lắk, cà phê hái xanh đem đến mùi vị rất tệ: đắng ngái xanh vị thuốc, không có vị thơm, ngọt như cà phê hái chín. Khi hái xanh, cấu trúc hạt cà phê sẽ bị rỗng nên hơi nước bốc nhanh, nhanh bạc màu, nhanh hư, khó bảo quản. Một số nông hộ không những hái xanh mà còn sấy không đúng kỹ thuật. Đơn cử như nhiệt độ sấy cho phép dao động trên dưới 500C nhưng nhiều nông hộ vừa hái xanh vừa sấy ở nhiệt độ cao 75-800C, hơi nước không kịp bốc hơi làm cho môi trường sấy vừa nóng vừa ẩm như hấp. Những lô hàng này đã và đang kéo chất lượng cà phê thương mại tụt dốc, làm giảm giá trị toàn ngành, gia tăng rào cản xuất khẩu. Điều này cũng khiến cà phê liên tục rơi vào vòng luẩn quẩn là giá thấp nên nông dân hái khi chưa đủ độ chín để giảm chi phí đầu tư làm giảm chất lượng cà phê, khi chất lượng giảm thì giá cà phê lại bị hạ xuống.

Toàn tỉnh hiện có hơn 203.000 ha cà phê, sản lượng bình quân hằng năm đạt khoảng 460.000 tấn, trong đó cà phê được bán dưới dạng cà phê thương mại chiếm khoảng 95%.

Để cải thiện chất lượng cà phê, những năm gần đây người trồng cà phê đang liên kết xây dựng các mô hình cà phê chất lượng cao liên hoàn theo chuỗi từ vườn cây đến nhà kinh doanh. Theo đó, nông hộ ngoài chăm sóc vườn cà phê theo hướng hữu cơ còn liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng sản xuất. Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, từ niên vụ 2018-2019, HTX bắt đầu thu mua cà phê tươi cho nông dân, riêng niên vụ 2019-2020, HTX mua khoảng 50 tấn cà phê tươi của nông hộ với giá bình quân khoảng 10.000 đồng/kg, tương đương mức giá 47.000 đồng/kg cà phê nhân. Với mức giá này, nông dân, HTX và nhà rang xay đều có lợi bởi số cà phê này được HTX chế biến cà phê chất lượng cao với giá bán tương ứng dựa vào chất lượng thử nếm, từng bước gây dựng tên tuổi, thương hiệu, chuẩn chất lượng cho sản phẩm cà phê địa phương.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.