Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi nhiều triển vọng

09:05, 10/03/2020

Trước tình hình giá cao su xuống thấp, những năm gần đây, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk đã liên kết và chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng cao su già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn, được xem là hướng đi có nhiều triển vọng.

Liên kết sản xuất

Sau khi được UBND tỉnh đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tháng 5-2019, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (Dakruco) bắt đầu triển khai Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích 526 ha tại Nông trường Cư Bao (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến 488 tỷ đồng.

Công ty đã liên kết, hợp tác với 2 doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống – chi nhánh Đắk Lắk và Công ty TNHH Tuấn Hưng Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) cùng đầu tư. Đến nay, riêng Dakruco đã chuyển đổi 158 ha cao su già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh sang trồng các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP gồm: chanh dây, sầu riêng, chuối, mít và cau với chi phí đầu tư trên 60 tỷ đồng. Trong đó, các loại cây trồng chính là mít 50 ha, sầu riêng 75 ha và cây trồng xen là chuối 100 ha, chanh dây 24,7 ha, keo chắn gió 28 ha.

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ hai từ phải sang) thăm mô hình trồng sầu riêng của Dakruco.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ hai từ phải sang) thăm mô hình trồng sầu riêng của Dakruco.

Cùng với đó, tháng 10-2019, Công ty Nhất Thống cũng bắt đầu triển khai Dự án nông nghiệp hữu cơ hỗn hợp trên diện tích 250 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Hiện Công ty đang chăn nuôi heo, gà, bò; trồng các loại rau, củ, quả theo hướng hữu cơ hoàn toàn... Được biết, Dự án đang trong quá trình hoàn thiện khu nhà mạng và hệ thống đường giao thông nội bộ. Trong đó, các sản phẩm rau củ quả đã cho thu hoạch; trung bình mỗi ngày xuất đi TP. Hồ Chí Minh khoảng 1 tấn.

Ông Bùi Quang Ninh, Tổng Giám đốc Dakruco chia sẻ, Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của công ty triển khai theo mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp.  Để phát triển sản xuất, Công ty đã đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt cho tất cả diện tích cây trồng với tổng công suất 720m3/giờ, đảm bảo tưới cho 12,5 ha/lần tưới. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cũng đã được đầu tư cơ bản với hệ thống đường điện trung, hạ thế có chiều dài gần 7 km qua 3 trạm nối; hồ chứa nước 35.000 m3, hơn 15 km đường giao thông nội vùng và khu nhà làm việc, nhà kho, khu sơ chế…

Hướng đến lan tỏa mô hình trong nông hộ

Hiện nay, một phần diện tích chanh dây bắt đầu cho thu hoạch và chuối chuẩn bị thu hoạch, cây mít và sầu riêng phần lớn sinh trưởng tốt. Tất cả sản phẩm của dự án đều được các công ty của Hàn Quốc và Singapore ký hợp đồng bao tiêu. Các sản phẩm rau, củ, quả của Công ty Nhất Thống đã đạt được 3 chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu (EU Organic), Mỹ (USDA- NOP) và Nhật Bản (JAS Organic), đồng thời có thị trường tiêu thụ ổn định.

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (giữa) thăm khu chế biến rau củ quả  của Công ty Nhất Thống.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (giữa) thăm khu chế biến rau củ quả của Công ty Nhất Thống.

Cùng với cà phê, tiêu thì cao su vẫn là cây trồng truyền thống của tỉnh, tuy nhiên việc nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích cao su sang trồng các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn là rất cần thiết. Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu, phù hợp của các nước trên thế giới và Nhà nước đang khuyến khích. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Thực tế cho thấy, thị trường cao su giảm giá sâu trong nhiều năm liền, hiệu quả kinh tế thấp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của người trồng cũng như địa phương và đặc biệt là công nhân lao động. Do đó, việc chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cao su già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh sang trồng các loại cây ăn quả, rau, củ theo hướng công nghệ cao và hữu cơ được xem là hướng đi đúng, có nhiều triển vọng. Nhất là với giá thị trường như hiện nay, các loại trái cây sầu riêng, chuối, chanh dây mang lại giá trị cao hơn nhiều lần so với cao su; đặc biệt, sầu riêng vào dịp giá cao điểm cho lợi nhuận cao hơn 16 lần so với cao su ở thời điểm hiện tại.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Dakruco có thể xem là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần hình thành chuỗi sản phẩm khép kín, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu,  tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong chuyến thăm, khảo sát Dự án mới đây, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao những dự án phát triển kinh tế của Dakruco và Công ty Nhất Thống đang triển khai, cho rằng nếu thành công sẽ tạo sự lan tỏa, để người dân học tập, áp dụng, từ đó tạo ra những sản phẩm hữu cơ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.