Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Người chăn nuôi heo gặp khó trong việc tái đàn

09:21, 31/03/2020

Sau đợt dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn, người chăn nuôi heo ở huyện Cư M’gar đang tích cực tái đàn nhằm khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc tái đàn thời điểm này đang gặp không ít khó khăn.

Gần đây, giá heo hơi bán ra trên địa bàn huyện Cư M’gar đang mang lại lợi nhuận khá cao cho người chăn nuôi, bởi giá bán ra tại các hộ chăn nuôi đang ở mức hơn 80.000 đồng/kg. Cùng với đó, hầu hết heo đến kỳ xuất chuồng đều tiêu thụ hết chứ không bị ứ đọng. Điều này khiến nhiều nông dân thấy phấn khởi vì nuôi heo lúc này có lãi. Sau đợt dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi muốn nhanh chóng ổn định sản xuất, tập trung tái đàn để cung ứng ra thị trường, thế nhưng họ gặp không ít khó khăn.

Gia đình anh Lê Thanh Phú (thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp) đầu tư chuồng trại kiên cố nuôi heo với quy mô 600 con. Anh Phú cho biết, trong đợt dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn, nhờ nỗ lực kiểm soát, tuân thủ quy trình vệ sinh phòng bệnh nên đàn heo của gia đình anh may mắn không bị mắc bệnh. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, việc xuất bán heo đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu khá nhờ giá bán lên đến 100.000 đồng/kg heo hơi. Trừ chi phí, gia đình anh Phú thu về 1,5 tỷ đồng tiền lãi.

Chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình ở huyện Cư M'gar.
Chăn nuôi heo quy mô hộ gia đình ở huyện Cư M'gar.

Phấn khởi với lứa heo dịp Tết, anh Phú muốn tái đàn để gây dựng kinh tế trong lúc giá heo hơi vẫn đang ở mức cao, thế nhưng đã gần 3 tháng, gia đình anh vẫn chưa thể tái đàn. Lý do khiến anh cân nhắc là vì heo giống trên địa bàn đang có giá rất cao. Việc nhập heo giống giá cao vào thời điểm này khiến người chăn nuôi như gia đình anh có nguy cơ “thiệt hại kép” nếu chẳng may dịch bệnh quay trở lại hoặc mua phải heo giống không an toàn.

Tương tự, sau khoảng thời gian dài bỏ trống chuồng vì dịch bệnh, gần một tháng trước, hộ anh Lê Ngọc Tâm (buôn Bling, xã Cư M’gar) cân nhắc mãi mới dám tái đàn. Trước đây, đàn heo của gia đình anh lúc nào cũng có trên 100 con cả heo thịt và heo nái, nhưng nay anh chỉ dám nuôi 20 con heo thịt. Phần lớn chuồng trại anh vẫn chấp nhận bỏ trống. Anh Tâm cho hay, với giá heo như hiện nay, người nuôi có thể có lãi trên 2 triệu đồng/con. Dù biết là nuôi heo đang có lãi lớn nhưng anh không dám vay vốn để tái đàn nhiều. Theo lý giải của anh Tâm thì heo giống trên địa bàn hiện đang có giá khoảng 2,4 - 2,7 triệu đồng/con (loại 10 - 12 kg/con), đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, do lo ngại rủi ro về dịch bệnh bùng phát trở lại trên đàn heo nên đến nay gia đình anh chưa dám nuôi nhiều. Bởi trong đợt dịch tả heo châu Phi hồi cận Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình đã buộc phải tiêu hủy 17 con heo nái và 120 con heo thịt với trọng lượng gần 6 tấn.

Chuồng trại nuôi heo của anh Lê Thanh Phú (thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp) vẫn bỏ trống, chưa thể tái đàn.
Chuồng trại nuôi heo của anh Lê Thanh Phú (thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp) vẫn bỏ trống, chưa thể tái đàn.

Theo nhiều hộ chăn nuôi ở Cư M’gar, nuôi heo chưa bao giờ thu về lãi cao như thời điểm này nhưng cũng đồng nghĩa với việc người nuôi phải bỏ chi phí đầu tư ban đầu cao gấp nhiều lần so với trước đây. Thêm vào đó, nhiều người phục hồi sản xuất khiến heo giống đang có dấu hiệu thiếu hụt. Do đó, dù phấn khởi trước mức giá cao, nhưng hầu hết các hộ chăn nuôi cũng cân nhắc, thận trọng trong việc tăng đàn.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, thực tế cho thấy, hầu hết người chăn nuôi ở địa phương đều gặp khó khăn trong việc tái đàn vì nguồn giống khan hiếm và giá heo giống tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, đàn heo nái nuôi trên địa bàn không còn nhiều nên nguồn giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi tại chỗ rất khan hiếm. Còn tại những trang trại lớn, heo giống sản xuất ra đều được họ giữ lại để nuôi thương phẩm chứ không bán con giống như trước đây… Tuy nhiên, đối với những hộ tái đàn, dù là tái đàn ở quy mô nào thì ngành Nông nghiệp địa phương cũng yêu cầu phải bảo đảm các điều kiện an toàn trong chăn nuôi, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, đề cao công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện tiêm phòng theo định kỳ… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh phát sinh.

Thiết nghĩ, cùng với việc tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm dập tắt dịch tả heo châu Phi, tiến tới công bố hết dịch bệnh, cơ quan chức năng cần kết nối với các doanh nghiệp, giúp người dân tìm được nguồn cung ứng heo giống an toàn, có chất lượng, giá thành hợp lý; đồng thời, tạo điều kiện để người dân vay vốn đầu tư chăn nuôi. Có như vậy, người chăn nuôi heo mới có điều kiện tái đàn, phục hồi đàn heo, ổn định nguồn cung thịt heo trên thị trường.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.