Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp xuất khẩu vượt "bão" Covid-19

08:46, 07/05/2020

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội chịu tác động tiêu cực thì doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đang nỗ lực tìm cách “vượt bão”.

Hoạt động xuất khẩu của tỉnh những tháng đầu năm bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh Covid-19. Thêm vào đó, theo chu kỳ, 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thường ở mức thấp do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Với tác động kép trên, doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh 4 tháng đầu năm 2020 đạt 160 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ, riêng cà phê nhân sản lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá giảm nên kim ngạch xuất khẩu giảm.

Bằng nhiều biện pháp, các DN xuất khẩu đã nỗ lực đưa ra những phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả để có thể tiếp tục đứng vững trong thời gian chờ dịch bệnh được khống chế. Trong đó, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước, giữ nhịp độ sản xuất, duy trì bạn hàng chiến lược truyền thống… là những giải pháp mà nhiều DN xuất khẩu của tỉnh đang làm.

Nhập hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.
Nhập hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho hay, điều đáng mừng là từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nông sản đi của DN không bị ách tắc. Do hoạt động lâu năm, có mạng lưới khách hàng rộng khắp các nước nên DN không bị phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Thị trường xuất khẩu chính của đơn vị là các nước châu Âu, Đức, Ý, Tây Ban Nha... vẫn duy trì ổn định việc nhập khẩu hàng hóa.  Nhờ đó, DN vẫn có thể triển khai thực hiện các đơn hàng đã ký từ trước. Tuy vậy việc vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với trước. Việc thanh toán tiền hàng của đối tác cũng bị kéo dài khiến DN gặp trở ngại trong việc thu hồi vốn.

Đặc biệt, theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất của DN xuất khẩu lại đến từ thị trường trong nước. Sự giảm giá liên tục của mặt hàng cà phê khiến không khí mua bán trên thị trường ảm đạm, DN gặp khó trong việc thu gom hàng phục vụ xuất khẩu. Giá cà phê thu mua trong nước giảm đến mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, hiện ở mức 35.000 - 36.000 đồng/kg. Trước tình hình đó, công ty đã có kế hoạch dự trữ nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các hợp đồng đã ký kết để giao hàng đúng hẹn, thực hiện đúng phương thức giao dịch cũng như chất lượng sản phẩm như cam kết, thúc đẩy bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Vào thời điểm này, DN đặt mục tiêu phát triển ổn định lên hàng đầu, tìm mọi cách để giữ chân những khách hàng truyền thống và chưa tính đến việc mở rộng thị trường trong lúc này.

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Phúc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phúc Minh (TP. Buôn Ma Thuột), trừ thị trường một số nước như Lào, Trung Quốc việc xuất khẩu có thời điểm bị ách tắc do thực hiện đóng cửa khẩu thì thị trường xuất khẩu 3 tháng qua ở các nước khác cơ bản vẫn giữ ổn định. Phía khách hàng đối tác của công ty ở các nước Mỹ, Singapore, Indonesia… vẫn duy trì việc nhập khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, bước sang tháng 3 thì các đơn hàng mới phát sinh rất hạn chế do nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới bị sụt giảm do dịch bệnh. Vấn đề đáng nói khác là thị trường cà phê đang có biến động về giá, phức tạp hơn những năm về trước. Giá cà phê trong nước thấp khiến hoạt động thu mua, gom hàng của đơn vị đang bị co hẹp lại. Từ cuối tháng 2 đến nay, các nhà xuất khẩu gặp khó trong việc thu gom hàng nên việc đẩy mạnh các giao dịch chưa thực hiện được.

Để “cầm cự” đơn hàng trong thời điểm đại dịch, những nhà xuất khẩu như Công ty Phúc Minh đang đẩy nhanh tiến độ thu mua, chú trọng bảo đảm chất lượng hàng hóa, giữ uy tín với khách hàng. Đối với những đơn hàng đã ký kết, đơn vị cố gắng tìm cách giao hàng đúng hẹn, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, đối tác chậm chuyển trả tiền hàng cũng khiến DN bị chôn vốn.

Công nhân vận chuyển hàng tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.
Công nhân vận chuyển hàng tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Dự báo về triển vọng xuất khẩu trong quý II, nhiều DN cho rằng, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tình hình xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa bởi dịch bệnh lây lan làm giảm sức mua của khách hàng, sức tiêu dùng của người dân tại các thị trường truyền thống chưa thể tăng trở lại do tâm lý hạn chế đi mua sắm. Từ đó, tình trạng đơn hàng bị gián đoạn, kéo dài thời gian giao hàng hoặc khách hàng tiếp tục thanh toán chậm so với hợp đồng đã ký kết… là điều khó tránh khỏi. Để giải quyết tình trạng này, một số DN chọn phương án giãn thời gian làm việc để giữ chân người lao động, cân đối mức chi phí để duy trì trả lương đủ cho nhân viên và bảo đảm nguồn thu.

Hiện tại, nhiều DN xuất khẩu của tỉnh mong mỏi các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Trong đó, phía DN mong muốn được hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ miễn giảm thuế DN, các chính sách miễn giảm bảo hiểm xã hội... để vượt qua khó khăn lúc này.

Theo Sở Công thương, trong bối cảnh hiện tại, ngành Công thương tỉnh chú trọng cung cấp thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới để các DN xuất khẩu nắm rõ. Đồng thời, Sở tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh và các ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.