Thu ngân sách nhà nước năm 2020: Thách thức trước viễn cảnh hụt thu
Kết quả thu ngân sách nhà nước mỗi năm sẽ là nguồn kinh phí đối ứng cho việc chi ngân sách nhà nước trên địa bàn. Với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cùng với nhiều nguyên nhân khác, Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ hụt thu lớn, ảnh hưởng đến việc chi ngân sách địa phương.
Theo báo cáo của ngành Tài chính, trong quý I năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh được gần 1.866 tỷ đồng, đạt 30,2% dự toán Trung ương giao, bằng 116% so với cùng kỳ năm 2019, số tiền tăng tuyệt đối là 263 tỷ đồng. Cụ thể, thu thuế, phí, lệ phí do ngành Thuế thực hiện là 1.419 tỷ đồng, đạt 27,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 104,2% so với cùng kỳ; thu biện pháp tài chính 446,7 tỷ đồng, đạt 41,36% dự toán, tăng gần 85,9% so với cùng kỳ.
Hoạt động khai thác cát trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Đây là những con số mang hiệu ứng tích cực khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái và so sánh với hiện trạng kinh tế, xã hội trước tác động toàn cầu của đại dịch Covid-19 kéo dài ngay từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2020 thì tổng thu ngân sách mới chỉ đạt 22,4%. Theo phân tích của ngành Tài chính, sở dĩ số thu ngân sách nói trên đạt kết quả tích cực là nhờ “dư địa” ngân sách năm 2019 chuyển sang. Điển hình nhất là chênh lệch quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp hay lệ phí môn bài (chỉ phát sinh trong quý I). Trong khi đó, từ đầu năm đến nay dịch Covid-19 khiến người nộp thuế gặp khó do lượng hàng hóa tiêu thụ chậm, các dịch vụ tạm ngưng kinh doanh để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch. Nguồn thu từ các lĩnh vực, ngành nghề khai thác từ lợi thế địa phương như điện gió, điện mặt trời, nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu… hiện tại vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động hoặc đi vào hoạt động nhưng chưa phải nộp thuế do được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Do đó, những nguồn thu này gần như chưa thể khai thác trong năm 2020 để bù hụt thu ngân sách.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng Ban chỉ đạo 1394 tỉnh
|
Theo dự báo, tác động của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng kéo dài do sự đứt gãy liên kết nguyên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hóa thế giới. Điều này sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Gần nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế quý II, quý III sẽ rất khó khăn và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu ngân sách.
Do đó, để hoàn thành dự toán năm 2020 thì việc chia nhỏ nhiệm vụ và bàn thảo giải pháp để phục hồi nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu là vấn đề đang được ngành chức năng ưu tiên. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo đôn đốc thu thuế và chống thất thu ngân sách nhà nước tỉnh (Ban chỉ đạo 1394) trung tuần tháng 4 vừa qua, các đại biểu đã phân tích, phân định nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của các đơn vị liên quan đến hoạt động thu ngân sách trên địa bàn.
Theo đó, để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước nội địa năm 2020 với số tiền 8.325 tỷ đồng thì trong 6 tháng đầu năm phải thu được trên 4,1 nghìn tỷ đồng, tức trong quý II phải thu trên 2,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn quý I gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn vì quy mô, lợi nhuận kinh doanh của người nộp thuế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và số thu có khả năng sẽ sụt giảm ngay từ đầu quý II.
Ông Bùi Văn Chuẩn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phân tích, chưa có năm nào số chênh lệch thu ngân sách nhà nước biến động mạnh và đáng lo như hiện nay. Bởi từ trước đến nay đa phần chỉ chênh lệnh con số hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng và thường chênh lệch với số thu cao hơn dự báo. Trong khi đó, năm nay ngoài tác động của dịch Covid-19 thì nhiều nguồn thu nền tảng của ngân sách địa phương lại bị giảm do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động của thủy điện, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tác động đến số lượng tiêu thụ bia… Ước tính, số hụt thu ngân sách lên đến hàng trăm tỷ đồng và sự hụt thu này sẽ kéo dài nếu không có các giải pháp xứng tầm phục hồi nền kinh tế, tìm nguồn thu mới và khai thác có hiệu quả các đề án chống thất thu thuế mà Ban chỉ đạo 1394 đã đề ra.
Lực lượng chức năng TP. Buôn Ma Thuột dừng phương tiện để kiểm tra hóa đơn, chứng từ hàng hóa theo quy định của pháp luật. |
Ngoài mục tiêu kiên định hỗ trợ người nộp thuế tối đa để có thể thu ngân sách trong tương lai thì việc áp dụng quy định quản lý, thu hồi nợ đọng thuế của người nộp thuế trước thời điểm bị ảnh hưởng của dịch hoặc các nguồn thu khác là giải pháp bù hụt thu hiện nay. Trước bối cảnh "khó chồng khó" này, Ban chỉ đạo 1394 đã yêu cầu các ngành liên quan tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt những giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, thu tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp đang nợ trong những năm trước đó để bù đắp lại nguồn hụt thu do dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các đề án chống thất thu thuế trên các lĩnh vực trọng điểm gồm tài nguyên khoáng sản, chống thất thu thuế trên khâu lưu thông…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc