Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

10:42, 12/08/2020
Trong những năm qua, huyện Ea Súp đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, trong đó chú trọng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu nông sản của địa phương.
 
Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, các lĩnh vực từ trồng trọt đến chăn nuôi trên địa bàn huyện đều đã đưa máy móc vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình trong sản xuất lúa gạo, khâu làm đất đạt trên 95%; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 100%; thu hoạch đạt 100%; tưới tiêu đạt 100%...
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện hiện có khoảng 3.200 máy móc các loại. Trong đó, 18 máy gặt đập liên hợp; 724 máy kéo; gần 1.200 máy bơm nước động lực; 230 máy chế biến lương thực (máy xay xát, phân loại, đánh bóng…); 65 máy phun thuốc có động cơ…
 
Điển hình như ở Ea Bung, đây là xã thuần nông nên chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao. 
 
Hội thảo  đầu bờ  nâng cao  chất lượng  lúa  ở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp).   Ảnh:  Minh Thuận
Hội thảo đầu bờ nâng cao chất lượng lúa ở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp). Ảnh: Minh Thuận
Bà Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của xã đạt trên 95%. Thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên địa bàn xã đã xuất hiện các mô hình, gương sản xuất, kinh doanh giỏi đem lại thu nhập cao, góp phần vào phát triển nền kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Cùng với việc đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, huyện cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương. Nhằm liên kết sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, hữu cơ, tháng 8-2019, Hợp tác xã (HTX) lúa Ea Súp được thành lập với 15 thành viên là các nông hộ trên địa bàn. Qua khảo nghiệm giống lúa N25 cho ra hạt gạo dài, trắng, cơm dẻo, thích hợp với điều kiện canh tác, HTX đã vận động các thành viên tổ chức sản xuất 60 ha sử dụng giống lúa mới với cam kết bao tiêu sản phẩm.
 
Chính quyền và các ngành chức năng huyện Ea Súp đang nỗ lực xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm lúa gạo Ea Súp cũng như các loại đặc sản khác của địa phương” - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Đình Toản.

Ông Đỗ Đức Thiềm, thành viên của HTX cho biết, khi tham gia vào HTX, các thành viên được hướng dẫn canh tác theo quy trình, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ; dùng thuốc sinh học, hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu độc hại, bảo đảm chất lượng hạt gạo an toàn. Bên cạnh đó, khi tham gia sản xuất, bà con nông dân được hỗ trợ giống, phân bón trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra với giá ổn định.

Cùng với lúa gạo, để nâng cao giá trị cho quả xoài, một trong những cây ăn trái đặc sản của Ea Súp, 15 hộ trồng xoài chuyên canh ở thôn 10 (xã Ea Bung) đã liên kết thành lập HTX xoài Ea Súp với diện tích canh tác trên 25 ha. HTX xoài Ea Súp duy trì hoạt động theo mô hình hộ thành viên tự quản lý và hưởng lợi, HTX đứng ra tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, liên kết với các đại lý, cơ sở có uy tín cung ứng phân bón, cây giống. Tham gia vào HTX, các thành viên yên tâm về đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chăm sóc vườn cây.
 
Ông Trần Quang Trịnh, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, toàn huyện có gần 1.300 ha cây ăn quả, sản lượng gần 2.000 tấn, trong đó diện tích cây xoài chiếm khoảng 60%. Các mô hình liên kết giúp nông dân chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm, cung ứng được nguồn hàng số lượng lớn, bảo đảm chất lượng. Các HTX mới thành lập tuy còn gặp nhiều khó khăn, song đã làm tốt vai trò là “cầu nối” hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm đầu ra cho nông sản, giúp xã viên yên tâm sản xuất, ổn định thu nhập.
 
Lê Hương
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.