Multimedia Đọc Báo in

Định hướng phát triển cho ngành du lịch Krông Bông

10:41, 13/08/2020
Nhằm khai thác tiềm năng du lịch, từng bước phát triển kinh tế -  xã hội, thời gian qua huyện Krông Bông đã triển khai nhiều hoạt động, từng bước định hướng phát triển cho ngành du lịch của địa phương.
 
Từ đề án phát triển du lịch
 
Nhận biết được lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bề dày lịch sử là những yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch, ngày 27-8-2019, Huyện ủy Krông Bông đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU về phát triển du lịch giai đoạn 2019 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
 
Nghị quyết đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng Đề án Phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, nhằm đánh giá được tiềm năng, định hướng phát triển và xác định các nội dung, dự án đầu tư, lộ trình đầu tư, đề xuất những giải pháp để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Krông Bông trong giai đoạn 2020 - 2030.
 
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, để khai thác tiềm năng và phát triển ngành du lịch trên địa bàn, UBND huyện đã đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xem xét giới thiệu nhà đầu tư vào các dự án về phát triển du lịch của huyện như: Khu du lịch sinh thái Hồ Yang Reh, Khu du lịch sinh thái Thác Đắk Tuôr; Khu du lịch Suối Thanh Niên…
 
Đồng thời từng bước nâng cao nội lực của địa phương bằng cách tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước... mà trước mắt là ban hành Kế hoạch phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
 
Được giao là đơn vị chủ công trong thực hiện kế hoạch này, ông Phạm Đình Tấn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện chia sẻ, hiện nay đơn vị đã hoàn thành Kế hoạch phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 và gửi các phòng, ban có liên quan trong huyện góp ý.
 
Khu du lịch Suối  Thanh Niên.  Ảnh:  Hữu Phương
Khu du lịch Suối Thanh Niên. Ảnh: Hữu Phương
Kế hoạch đặt ra mục tiêu, trong năm 2020 sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch trên địa bàn huyện; đầu tư lắp đặt màn hình led ở Hoa viên trung tâm thị trấn Krông Kmar; xây dựng đường hoa vào thác Krông Kmar; xây dựng Kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2020 - 2025; tổ chức hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch và ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch huyện Krông Bông năm 2020; tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ du lịch cộng đồng tại buôn Ja, xã Hòa Sơn; phục hồi bến nước của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, gắn với xây dựng đội văn nghệ dân gian, giới thiệu văn hóa ẩm thực phục vụ du khách tham quan du lịch… nhằm từng bước tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm đến những tiềm năng du lịch trên địa bàn.
 
Cần những giải pháp căn cơ
 
Thực tế là cùng với nỗ lực của địa phương, sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), để có những chuyển biến rõ nét, khai thác tốt tiềm năng về du lịch trên địa bàn thì ngoài xúc tiến, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thâm nhập, đầu tư vốn vào các điểm du lịch, việc nâng cao hình ảnh của du lịch Krông Bông cần được đẩy mạnh hơn nữa.
 
Theo Đề án Phát triển du lịch huyện Krông Bông giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2025 huyện Krông Bông sẽ đón trên 47 nghìn lượt khách, với tổng doanh thu từ khách đạt trên 47 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030, đón trên 93 nghìn lượt khách với tổng doanh thu đạt 177 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Krông Bông Đỗ Quốc Hương đánh giá, Krông Bông không chỉ được “thiên phú” nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng như Vườn quốc gia Chư Yang Sin, thác Krông Kmar, thác H’Ngô, suối Thanh Niên... mà còn là nơi lưu giữ Di tích lịch sử Hang đá Đắk Tuôr ghi dấu phong trào hoạt động cách mạng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk thời kháng chiến, đã được công nhận là Di tích lịch sử từ năm 1991. 

Đây cũng là địa điểm có cảnh quan đẹp, nổi bật với suối Đắk Tuôr và quần thể cây rừng nguyên sinh có thể phát triển cả du lịch lịch sử kết hợp du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, buôn căn cứ cách mạng Đắk Tuôr gắn liền với di tích này hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc tại chỗ M’nông nên có thể phát triển du lịch cộng đồng. Đây có thể xây dựng thành "điểm nhấn" du lịch của huyện, vì vậy trước mắt cần có lộ trình, kế hoạch, quy hoạch cụ thể để đầu tư bài bản từng hạng mục.
 
Theo Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL) Nguyễn Sơn Hưng, ngoài việc gìn giữ và bảo tồn tài nguyên du lịch về văn hóa, sinh thái, lịch sử, quảng bá hình ảnh du lịch của huyện, đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch… thì địa phương cần tận dụng tốt các chương trình mà tỉnh, Trung ương và các tổ chức khác hỗ trợ nhằm tạo ra sản phẩm mới cho du lịch, đồng thời góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Chẳng hạn như Chương trình Hỗ trợ, phát triển du lịch vùng biên giới do Ngân hàng châu Á (ADB) khởi xướng nhằm xây dựng một số buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến du lịch cộng đồng giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông.
 
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đề ra những giải pháp căn cơ trong phát triển du lịch của huyện nhà, chủ động đề xuất, kêu gọi đầu tư, đồng thời nâng cao trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công tác trong ngành du lịch và thường xuyên làm mới sản phẩm du lịch hiện có để thu hút du khách…
 
Khả Lê
 

Ý kiến bạn đọc