Trồng cây ăn trái - hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở M'Drắk
14:51, 24/08/2020
Nhận thấy hướng phát triển cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện M'Drắk đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thời gian trước đây, gia đình ông Huỳnh Ngọc Thanh (thôn 4, xã Ea Pil) chủ yếu trồng mía và các loại hoa màu trên diện tích gần 1,7 ha, song hiệu quả kinh tế mang lại không đáng là bao do giá nông sản không ổn định. Nhận thấy mô hình trồng cây ăn trái tại địa phương đang mang lại hiệu quả cao, năm 2017, ông Thanh quyết định chuyển toàn bộ diện tích canh tác sang trồng gần 1.000 cây ăn trái các loại. Sau gần 3 năm chăm bón, hơn 200 cây nhãn Hương Chi đã cho ra bói. Dự kiến 2 tháng nữa cây nhãn sẽ cho thu hoạch được khoảng 5 tấn quả, hứa hẹn đem lại cho gia đình khoản thu nhập đáng kể.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Thạch (thôn 9, xã Ea Pil) thu hoạch nhãn Hương Chi. |
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hữu Thạch (ở thôn 9, xã Ea Pil) cũng là một nông hộ giàu lên nhờ mô hình trồng cây ăn trái. Với khoảng 1.000 gốc nhãn Hương Chi, sản lượng khoảng 25 tấn/năm, gia đình ông Thạch có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí. Ông Thạch chia sẻ: “Nhờ nắm rõ đặc tính thổ nhưỡng, khí hậu, cũng như kinh nghiệm sản xuất qua từng năm nên tôi đã biết cách cho cây ra quả trái vụ với chất lượng ngon, ngọt, thơm. Nhờ thế nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, có uy tín trên thị trường”.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Drắk cho biết: Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất giai đoạn 2015 - 2019 đạt trên 10.000 tỷ đồng và dự kiến năm 2020 đạt hơn 2.300 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng toàn ngành bình quân đạt 9,2%/năm (giai đoạn 2015-2019) và dự kiến đạt 9,6% trong năm 2020. Riêng trồng trọt, giá trị sản xuất đạt 47,8 triệu đồng/ha…
Để đạt được kết quả này là nhờ người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây ăn trái. Nếu như năm 2015, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện mới chỉ có 227 ha thì đến nay đã tăng lên 1.188 ha (tăng 961 ha). Bước đầu trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung tại các xã như: Ea Pil có 443 ha nhãn và 115 ha vải; Cư Prao có 104 ha nhãn, 45 ha vải; các xã Ea Riêng, Ea Lai, Ea H’Mlay có khoảng 130 ha trồng sầu riêng, bơ…
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng đã giúp nhiều gia đình có mức thu nhập ổn định, kinh tế ngày càng khá giả. Điển hình như gia đình ông Phạm Đăng Tân (thôn 10, xã Ea Pil) với gần 20 ha vải và nhãn, mỗi năm cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng; gia đình bà Trịnh Thị Hoa (thôn 3, xã Cư Prao), với 2 ha đất trồng bưởi da xanh, cam, quýt đường cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Theo ông Nguyễn Thế Thập, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, thời gian tới, huyện M’Drắk sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình số 22-CTr/HU ngày 19-4-2017 của Huyện ủy theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện cũng thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất; ưu tiên nguồn lực, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các nông sản chủ lực; tập trung thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (phấn đấu có 10-15 ý tưởng sản phẩm được đăng ký và 6-8 sản phẩm được đánh giá phân hạng)…
|
Bảo Chi
Ý kiến bạn đọc