Multimedia Đọc Báo in

Trồng rừng nguyên liệu Lợi cả đôi đường

14:42, 24/08/2020
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc của huyện M’Drắk dần được phủ màu xanh mướt của những rừng keo lai. Rừng trồng đã và đang làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê nghèo, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương.
 
Phủ xanh đất trống, đồi trọc
 
Quốc lộ 26 từ thị trấn M'Drắk hướng về xã Ea Trang, dọc hai bên đường là những rừng keo san sát, xanh tươi. Đón tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Y Đôi Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Trang thông tin, cây keo bắt đầu được trồng ở đây từ năm 1996, nhưng thực sự phát triển vào khoảng năm 2010. Ban đầu, cũng chỉ có một số hộ trồng thí điểm, nhưng khi nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng keo, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển nhiều diện tích sang trồng loại cây này. Đến nay, hơn 1.000 hộ dân trong xã đã chọn trồng rừng để phát triển kinh tế với tổng diện tích khoảng 4.000 ha.

“Đất ở đây nhìn bạc màu thế nhưng cây keo nó “kết” lắm, cứ dọn sạch thực bì, chờ trời mưa xuống rồi cuốc hố, rải nhúm phân hóa học và thả cây giống xuống là được. Năm đầu xuống giống làm vài đợt cỏ, còn từ năm thứ hai cho đến khi thu hoạch thì chỉ cần phòng chống cháy rừng vào mùa khô chứ không phải tốn thêm công gì nữa. Cứ tà tà làm việc khác, chờ đến ngày khai thác. Không như những loại cây trồng khác sau khi xuống giống phải phun hết thuốc này đến thuốc nọ để phòng chống sâu bệnh, còn đối với cây keo lai thì tuyệt nhiên không, cả chu kỳ 5 năm chẳng phải tốn một đồng tiền thuốc. Về hiệu quả kinh tế cũng hiếm có loại cây nào trên vùng đất này bì kịp, với chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta rừng khoảng 20 triệu đồng cho một chu kỳ 5 năm, khi thu hoạch sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng/ha”, ông Y Đôi cho hay.

Đến nay, huyện M'Drắk có khoảng 15.000 ha rừng trồng, mỗi năm khai thác khoảng 1.000 ha với sản lượng gỗ hơn 100.000 m3.
Ông Y Man Niê ở thôn 3 (xã Ea Trang) có 3 ha đất trên đồi cao. Trước đây, gia đình ông trồng ngô, sắn, tuy nhiên do chi phí đầu tư cao, năng suất lại thất thường nên may mắn lắm cũng chỉ đủ ăn. 6 năm trở lại đây, thấy trồng keo hiệu quả, ông Y Man chuyển đổi toàn bộ diện tích trên sang trồng keo lai và nhờ đó cuộc sống khấm khá hơn. “Trong năm đầu tiên trồng rừng mình có thể trồng xen ngô, sắn vừa ngăn không cho cỏ dại mọc, vừa được thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nhờ có cây keo lai gia đình mới xây được nhà kiên cố, chứ trông vào cây sắn, cây ngô thì không biết đến bao giờ”, ông Y Man tâm sự.
 
Tương tự, gia đình anh Y Liu Byă ở thôn 3 (xã Ea Trang) cũng có 3 ha rừng trồng, sau 5 năm trồng và chăm sóc, kỳ thu hoạch đầu tiên đã cho thu nhập hơn 150 triệu đồng - một số tiền lớn mà anh chưa bao giờ dám mơ đến. “Đất đồi cằn cỗi, trồng cây gì cũng không ăn thua, có vụ trừ chi phí, công cán xong còn lỗ, nhưng từ khi trồng rừng đến giờ thì vẫn lãi đều đều”, anh Y Liu vui mừng chia sẻ.
 
Lợi ích “kép”
 
Đi đôi với phát triển rừng trồng, việc thu mua, chế biến gỗ rừng trồng cũng được hình thành và phát triển tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm cũng như tạo việc làm cho người dân địa phương. Hợp tác xã Tiến Nam (ở thôn 7, thị trấn M’Đrắk) là một đơn vị trồng, thu mua, chế biến gỗ rừng trồng lớn nhất tại huyện. Hiện nay, đơn vị có khoảng 4.000 ha rừng nguyên liệu và một nhà máy chế biến dăm gỗ với công suất khoảng 100.000 tấn/năm, đảm bảo thu mua, chế biến gần như toàn bộ sản lượng gỗ rừng trồng hằng năm tại địa phương. Cùng với đó, Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 7 - 8 triệu/người/tháng. “Nhu cầu gỗ rừng trồng trên thị trường thế giới hiện còn rất lớn, do đó việc phát triển rừng trồng theo hướng bền vững, đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị sản phẩm là mục tiêu hướng đến của đơn vị trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nam cho biết.
Chế biến gỗ rừng trồng tại Hợp tác xã Tiến Nam.
Chế biến gỗ rừng trồng tại Hợp tác xã Tiến Nam.

Không chỉ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, rừng trồng ở huyện M’Đrắk cũng đang tạo ra lợi ích không nhỏ về cải thiện môi sinh, môi trường, góp phần nâng độ che phủ rừng của địa phương lên 53%. “Bây giờ cứ đi khắp địa phương này khó lắm mới tìm ra được những khu đất trống, bởi người dân đã trồng rừng hết rồi! Trước đây, khi chưa trồng rừng, người dân chủ yếu trồng hoa màu được vài vụ thì đất bạc màu, họ lại tìm cách phá rừng mở rộng diện tích hoặc khai thác lâm sản để kiếm thêm thu nhập. Nhưng nay đã khác, trồng rừng không chỉ đem lại thu nhập cho chủ rừng mà còn tạo thêm việc làm cho người dân. Khi người dân có việc làm, thu nhập ổn định thì họ cũng không màng đến việc khai thác lâm sản trái phép, vì vậy mà rừng tự nhiên cũng giảm áp lực đi phần nào”, ông Lê Ngọc Tam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk nhận định.

Theo ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, với lợi thế về đất đai, khí hậu, trong những năm qua Huyện ủy, UBND huyện xác định lâm nghiệp là một thành phần kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương, từ đó đề ra nhiều chủ trương để phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng nguyên liệu. Khi đi vào cuộc sống, những chủ trương này đã được các doanh nghiệp và người dân ủng hộ. Thời gian tới, địa phương tiếp tục quy hoạch, duy trì vùng sản xuất ở phía đông và đông nam; gắn sản xuất với chế biến gỗ rừng trồng để nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm... Ngoài ra, hướng tới phát triển một số diện tích rừng trồng sang trồng các loài cây gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường.
 
Vạn Tiếp

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.