Multimedia Đọc Báo in

Cần thêm nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ

07:00, 16/09/2020

Trong phát triển công nghiệp, hoạt động công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò hết sức quan trọng nên rất cần được quan tâm đầu tư.

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) bao gồm công nghiệp cơ khí nền tảng, công nghiệp hỗ trợ dệt may, công nghiệp hỗ trợ da giày và công nghiệp hỗ trợ sản xuất máy móc, thiết bị điện. Lĩnh vực này đóng vai trò là “trợ lực” và cần phải đi trước để “hỗ trợ” cho các ngành sản xuất công nghiệp khác. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư dự án CNHT; ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, trang thiết bị tiên tiến; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp CNHT chuyển giao công nghệ cao và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg, ngày 18-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 920 tỷ đồng cho lĩnh vực này, trong đó, nguồn ngân sách nhà nước 10%, còn lại chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, vốn vay, vốn FDI. Bên cạnh đó, các sở, ngành, doanh nghiệp và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tập huấn, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho hơn 2.500 lao động tại các cơ sở CNHT.

Một cơ sở đúc gang trong Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột).
Một cơ sở đúc gang trong Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột).

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành những cơ sở chuyên về sản xuất các mặt hàng trong lĩnh vực CNHT. Cụ thể, ngành công nghiệp cơ khí nền tảng có Nhà máy thép Đông Nam Á (Khu công nghiệp Hòa Phú), công suất 550.000 tấn/năm  chuyên sản xuất các sản phẩm phôi thép, thép cuộn và thép thanh vằn. Tại TP. Buôn Ma Thuột cũng đã xuất hiện một số xưởng gia công cơ khí chính xác, sản xuất các sản phẩm, linh kiện, thiết bị phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản. Đối với CNHT dệt may đã đầu tư phục hồi, phát triển các điểm làng nghề thổ cẩm; một số xưởng tái chế sản xuất bao bì carton, bao nilon tại Khu công nghiệp Hòa Phú, Cụm công nghiệp Tân An 1 và Tân An 2… Đối với lĩnh vực da giày và công nghiệp hỗ trợ sản xuất máy móc, thiết bị điện chưa có cơ sở nào đáng kể.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, quy mô sản xuất ngành CNHT trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, chưa có các doanh nghiệp quy mô lớn sản xuất các sản phẩm công nghệ cao với nhiều chi tiết phức tạp; danh mục sản xuất CNHT ít, sản lượng hầu như rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cho thực tế. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã xây dựng Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, phát triển CNHT đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp ở tỉnh, tiến tới cung ứng trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2025, sản xuất được trên 80% các sản phẩm CNHT cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp ở địa phương; giá trị sản xuất đạt 2.850 tỷ đồng, chiếm 15% tỷ trọng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; chất lượng và công nghệ đạt mức trên trung bình cả nước.

May gia công tại Công ty Cổ phần May Đắk Lắk.
May gia công tại Công ty Cổ phần May Đắk Lắk.

Để phát triển CNHT, tỉnh đã đưa ra những giải pháp đồng bộ, trong đó khuyến khích, thu hút đầu tư các dự án CNHT sản xuất sản phẩm mới, chế biến sâu; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý điều hành cho doanh nghiệp; đồng thời, ưu tiên phát triển CNHT cơ khí nền tảng để sản xuất linh kiện, chi tiết cơ khí chế tạo máy, nhất là các thiết bị máy chế biến sâu nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh cũng bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp; hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng, xử lý môi trường cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT; quy hoạch, đầu tư các khu, cụm công nghiệp và hình thành các phân khu cho dự án CNHT theo hướng đổi mới trang thiết bị sản xuất theo mô hình cụm liên kết ngành; xây dựng, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi được cấp bù lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT theo đặc thù, tình hình cụ thể của địa phương.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2025, tổng nguồn vốn đầu tư cho ngành này hơn 2.000 tỷ đồng bằng các nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn doanh nghiệp và các nguồn khác. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có quy hoạch cụ thể, kêu gọi đầu tư các dự án quy mô lớn về cơ khí, dệt may, da giày, sản xuất máy móc và thiết bị điện.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.