Giải phóng mặt bằng trong triển khai các dự án: Những "nút thắt" cần tháo gỡ (Kỳ 1)
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là vấn đề phức tạp, đồng thời đây cũng là giai đoạn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Kỳ 1: Nhiều dự án chậm tiến độ vì "vướng" mặt bằng
Chậm trễ trong thực hiện GPMB là lý do khiến nhiều dự án (DA) trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ, chủ đầu tư chưa thể bàn giao công trình, đưa vào khai thác và sử dụng.
Nơi nào cũng "vướng"
Là đơn vị quản lý số lượng công trình, DA tương đối lớn trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (sau đây gọi Ban Quản lý Dự án) được giao làm chủ đầu tư 32 DA trong năm 2020, trong đó có 30 DA do UBND tỉnh quyết định đầu tư, 2 DA còn lại là hợp phần bồi thường, GPMB và tái định cư thuộc DA Hồ chứa nước Krông Pách Thượng do Bộ NN-PTNT quyết định đầu tư và DA đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư.
Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án chia sẻ, trong 30 DA do UBND tỉnh quyết định đầu tư, hiện nay Ban mới chỉ triển khai thi công xây dựng 16 DA, các DA còn lại chậm do nhiều vướng mắc, trong đó có công tác GPMB.
Công trình đường Đông – Tây TP. Buôn Ma Thuột vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. |
Dẫn đầu tỉnh về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp nên TP. Buôn Ma Thuột cũng là địa phương có diện tích đất cần GPMB lớn của tỉnh. Đến nay, toàn thành phố còn 42 DA phải thực hiện thu hồi đất. Riêng năm 2020 có 12 DA, trong đó đã triển khai 9 DA; 3 DA còn lại đang tổ chức mời thầu. Ông Phan Thanh Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP. Buôn Ma Thuột cho hay, hiện nay Ban đang tập trung phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đẩy mạnh công tác GPMB, đảm bảo các công trình, DA thực hiện đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, công tác GPMB gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các công trình, DA trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Hay như ở huyện Krông Pắc, từ năm 2019 đến nay trên địa bàn huyện có 17 DA phải thực hiện thu hồi đất, với diện tích hơn 49,2 ha, kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB gần 43,2 tỷ đồng. Do tiến độ GPMB của phần lớn các DA chậm nên đến nay huyện mới hoàn thành GPMB được 10 DA.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 331 DA phải thực hiện thu hồi đất, với tổng diện tích dự kiến hơn 4.096 ha, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khái toán là hơn 2.594 tỷ đồng. Đến nay, các DA đều được thực hiện thu hồi đất, bồi thường và GPMB theo đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật đất đai hiện hành. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hầu hết các DA đều gặp vướng mắc trong GPMB.
Nhiều hệ lụy
Vướng mắc trong GPMB, chậm thực hiện thu hồi và bàn giao đất không chỉ ảnh hưởng tiến độ của các DA, làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công mà còn khiến một bộ phận người dân bức xúc vì ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.
Ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các công trình, DA thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải được HĐND tỉnh thông qua.
Theo quy định hiện hành, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp, 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất. Sau khi có quyết định thu hồi đất, các cơ quan chức năng phải thực hiện nhiều công đoạn, thủ tục khác như: Kiểm đếm tài sản trên đất, xác minh nguồn gốc đất, lập phương án thu hồi...
Vì vậy, để GPMB một DA, sớm nhất cũng phải 120 ngày đối với đất nông nghiệp và 210 ngày đối với đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp người sử dụng đất đồng ý để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn thì không phải chờ đến thời hạn thông báo thu hồi đất). Đối với trường hợp người sử dụng đất không đồng thuận, phải thực hiện biện pháp cưỡng chế, thời gian thu hồi đất còn kéo dài hơn.
Chính vì trình tự thủ tục trong bồi thường GPMB quy định thời gian dài nên nếu triển khai sau khi có Nghị quyết HĐND tỉnh về danh mục DA phải thu hồi đất ban hành thì ít nhất phải bốn tháng sau DA mới triển khai xây dựng được. Vì vậy, hầu hết các DA, đặc biệt là DA sử dụng diện tích đất lớn như công trình thủy lợi thì công tác GPMB còn chậm so với kế hoạch.
Dự án đường Y Ngông nối dài (từ đường Mai Xuân Thưởng đến Tỉnh lộ 1) vẫn chưa hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng dù đã thi công xong. |
Còn theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư 272 DA, với tổng vốn đầu tư khoảng 26.749 tỷ đồng, trong đó có 75 DA đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 33 DA đang thi công xây dựng, 154 DA đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, 10 DA chậm triển khai.
Ông Hà Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Ðầu tư) cho hay, vướng mắc trong việc lấy ý kiến thẩm định liên quan đến nội dung đề xuất thực hiện DA thuộc diện có sử dụng đất là khó khăn mà một số nhà đầu tư đang gặp phải.
Bên cạnh đó, việc kêu gọi thu hút đầu tư trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, hạn chế do có những trường hợp nhà đầu tư quan tâm, đề xuất DA theo danh mục kêu gọi đầu tư, nhưng còn vướng mắc, không thực hiện được do các cơ quan đề xuất danh mục này chưa xem xét đầy đủ những yếu tố có ảnh hưởng như khả năng GPMB, các quy hoạch có liên quan… Hơn nữa, sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, tiến độ triển khai nhiều DA còn chậm, trong đó có nguyên nhân do công tác GPMB phức tạp.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc