Kết nối người Việt với hàng Việt
Nhiều hoạt động xúc tiến, thúc đẩy tiêu dùng và quảng bá hàng Việt đang tích cực được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, khẳng định sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường.
Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020 vừa được Bộ Công thương phát động trên quy mô toàn quốc nhằm thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là một trong bốn hoạt động trọng tâm thuộc các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh diễn ra từ ngày 1-7 đến ngày 31-12-2020 của ngành Công thương. Mục đích của chương trình là nhằm đẩy mạnh tiêu dùng hàng nội địa, hỗ trợ kết nối các nhóm nhu cầu, góp phần nâng cao thị phần hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tại Đắk Lắk, để tiếp tục tạo sự lan tỏa của hàng Việt trên thị trường, ngành Công thương tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn đã tập trung cho những hoạt động hưởng ứng chương trình vận động kích cầu hàng trong nước. Nhiều chương trình được triển khai như tổ chức khuyến mãi, giảm giá; ưu tiên trưng bày các sản phẩm hàng Việt Nam tại những vị trí trang trọng, hấp dẫn người tiêu dùng; thực hiện treo băng rôn, quảng bá hình ảnh tuyên truyền “Tự hào hàng Việt Nam” tại đơn vị…
Khách mua hàng Việt tại Co.op Mart Buôn Ma Thuột. |
Ông Bùi Văn Quân, Giám đốc Siêu thị Go Buôn Ma Thuột cho biết, đơn vị vừa kết thúc đợt bán hàng “Tự hào hàng Việt” với các nội dung “Hàng tốt, giá tốt, ngập tràn ưu đãi”, “Mua 1 tặng 1”, giảm giá lên đến 49%. Đây là chương trình giảm giá, khuyến mãi dành riêng cho hơn 1.000 mặt hàng tiêu dùng được sản xuất trong nước, kéo dài trong nửa cuối tháng 7 vừa qua. Chương trình đã thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan, tìm hiểu, sức mua tăng 20% so với bình thường, giá trị các đơn hàng tăng cao hơn trước.
Các siêu thị như Co.opmart Buôn Ma Thuột, Co.opmart Buôn Hồ, Co.opmart Cư M’gar đẩy mạnh chương trình bán hàng Việt với hàng loạt hoạt động ưu đãi giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm. Theo đó, từ ngày 20-8 đến 9-9, Co.opMart Buôn Ma Thuột triển khai chương trình “Tự hào Việt Nam – Chung tay chống Covid-19”, siêu thị tập trung giảm giá trực tiếp các nhóm sản phẩm thiết yếu trong 21 ngày liên tục để tiếp tục chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. Trong ba ngày đầu mỗi tuần, siêu thị bày bán hàng chục mặt hàng với ưu đãi “Mua 2 tính tiền 1”, ba ngày cuối tuần có chương trình “Siêu ưu đãi” giảm giá sâu. Ngoài ra, còn có chương trình tích sao nhận thêm quà để tôn vinh hàng Việt, tặng điểm thưởng vào thứ ba hằng tuần, nhân đôi số điểm, tặng phiếu mua hàng, tặng túi bảo vệ môi trường... để kích thích người tiêu dùng mua sắm. Ngoài đẩy mạnh kinh doanh hàng Việt, siêu thị cũng tích cực đưa các sản phẩm chất lượng của địa phương bày bán tại đây như: rau, củ, quả có nguồn cung ở huyện Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột; thịt heo của huyện Buôn Đôn; các sản phẩm rượu, nước uống đóng chai của doanh nghiệp sản xuất tại TP. Buôn Ma Thuột…
Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu sản phẩm cốm nghệ Huvahi tại Hội nghị kết nối giao thương giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Sóc Trăng được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào tháng 7-2020. |
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng bán lẻ tại TP. Buôn Ma Thuột cũng ưu tiên bày bán sản phẩm chất lượng của địa phương, nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống để phục vụ khách hàng. Cửa hàng Thực phẩm sạch BMT Green foods đang bày bán các sản phẩm của hơn 40 doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Theo chị Trần Ngọc Đan Thùy, chủ cửa hàng Thực phẩm sạch BMT Green foods, các nông sản an toàn của địa phương như rau, củ quả của Hợp tác xã Toàn Thịnh (huyện Cư M’gar), các loại hạt điều Tâm Bình, gạo 721, gạo hữu cơ Krông Ana, mắc ca Nutrisol, ca cao Nam Trường Sơn, mật ong Chư Yang Sin… giá ổn định, được người tiêu dùng tín nhiệm cao và có sức mua tốt. Thời điểm này, cửa hàng đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi miễn phí trong nội thành giúp người tiêu dùng mua sắm một cách thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Phía doanh nghiệp sản xuất của tỉnh cũng chủ động nắm bắt nhu cầu của khách hàng để cho ra những sản phẩm phù hợp, mẫu mã hấp dẫn. Công ty TNHH Huvahi (TP. Buôn Ma Thuột) mới cung ứng ra thị trường sản phẩm cốm nghệ BK bảo vệ sức khỏe dành riêng cho phụ nữ. Theo chị Trần Thị Nhật Anh, Trưởng Phòng Maketting của công ty, ngoài các sản phẩm như cốm nghệ, tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đen, mới đây công ty cũng đưa ra thị trường sản phẩm cốm nghệ BK nhằm đa dạng nguồn sản phẩm, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng. Cùng với đó, công ty luôn tự tìm cách cải thiện hình ảnh, thương hiệu cũng như chất lượng sảm phẩm, có chính sách giá tốt với các điểm bán hàng, trợ giá mùa Covid-19 cho các đại lý trong tỉnh để kích cầu tiêu dùng, nâng cao độ phủ sóng cho các sản phẩm cốm nghệ Huvahi.
Có thể nói, với sự nỗ lực trên, chương trình nhận diện hàng Việt Nam "Tự hào hàng Việt Nam" đang triển khai trên địa bàn được coi là một hình thức tuyên truyền hiệu quả nhằm thay đổi nhận thức của người dân về hàng hóa sản xuất trong nước, khả năng cung ứng của các doanh nghiệp nội địa và chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt. Từ chương trình, kỳ vọng người tiêu dùng không chỉ “ưu tiên” dùng hàng Việt mà còn hướng tới “tự hào” sử dụng hàng Việt Nam.
Theo Sở Công thương, tính đến hiện tại, nhiều siêu thị trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa do Bộ Công thương phát động, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, mua hàng tặng quà với chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam”. Chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, đã có 645 chương trình khuyến mãi được doanh nghiệp thông báo, đăng ký thực hiện trên địa bàn tỉnh để kích sức mua hàng Việt. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc