Multimedia Đọc Báo in

Ngành du lịch nỗ lực "làm mới mình"

16:51, 26/09/2020

Ngành du lịch là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 khi lượng khách giảm nhưng vẫn phải duy trì hoạt động, tranh thủ duy tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực du lịch văn hóa sinh thái trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi năm Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực, sinh thái địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của đơn vị phải thực hiện cầm chừng, nhưng vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn và hoàn thiện để phục vụ du khách tốt hơn trong tương lai. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Ko Tam cho hay, năm 2019 Khu du lịch Kô Tam đón 375 nghìn lượt khách, tổng doanh thu đạt gần 21 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 120 lao động địa phương. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của đơn vị chỉ đạt khoảng 25 - 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trong thời gian tạm đóng cửa để phòng chống dịch hiệu quả, đơn vị đã chuyển hướng hoạt động để có thể giải quyết thấu đáo những vấn đề liên quan.

Cụ thể, ưu tiên sử dụng lao động của công ty để tu sửa lại đường sá trong khuôn viên khu du lịch, xây dựng thêm 5 nhà nghỉ dưỡng mini, sửa chữa bến nước, xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo rừng, gà, cải tạo hồ nuôi cá… tạo nguồn sản vật tại chỗ phục vụ du khách khi đến tham quan, du lịch. Đồng thời, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái với công suất 120 kWh để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị… Trên tổng diện tích gần 17 ha, hiện tại Khu du lịch Ko Tam đã có 9 nhà nghỉ dưỡng, một nhà sàn dài, bến nước, bảo tàng, khu thưởng thức cà phê mới… đáp ứng nhu cầu cho vài nghìn du khách cùng lúc.

Bến nước tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.
Bến nước tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.

Tương tự, từ đầu năm đến nay Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk cũng đang thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép" chống dịch và nỗ lực duy trì hoạt động của đơn vị. Ông Ninh Văn Hiền, Giám đốc công ty cho hay, đơn vị hoạt động ở hai lĩnh vực là dịch vụ khách sạn và lữ hành nội địa, quốc tế với một nhà hàng chuyên tiệc cưới có sức chứa trên 1.000 chỗ ngồi, ba khách sạn kinh doanh lưu trú, một resort... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.

Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm đơn vị thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Trong khi doanh thu thấp, nhưng những khoản chi cơ bản cho các cơ sở vẫn phát sinh để bảo dưỡng hệ thống nhà hàng, khách sạn, chăm sóc cây cối, hồ bơi… Do đó, trong thời gian này, đơn vị tự nâng cao năng lực phục vụ của mình bằng cách kiện toàn tác phong phục vụ du khách cho đội ngũ nhân viên từ tổng thể đến từng chi tiết nhỏ. Cụ thể là lên kế hoạch hoạt động thích ứng với bối cảnh mới, điều chỉnh cách thức đón tiếp khách, phục vụ bàn, trưng bày món ăn cho từng nhân viên, với phương châm “chứng minh chất lượng bằng sản phẩm thực tế”.

Khách du lịch trải nghiệm dịch vụ tại một nhà hàng của Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk.
Khách du lịch trải nghiệm dịch vụ tại một nhà hàng của Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk.

Kinh doanh du lịch gặp khó khăn là tình trạng chung của ngành du lịch toàn cầu trước tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự kiểm soát chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh và nỗ lực làm mới mình của những người làm dịch vụ, hy vọng rằng diện mạo du lịch Đắk Lắk sẽ có những chuyển biến tích cực để trở thành điểm đến thú vị cho du khách thời gian tới.

Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn ngành đón tiếp khoảng 518.120 lượt khách, đạt gần 46% kế hoạch, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch ước được 470 tỷ đồng, đạt hơn 35,3% kế hoạch, giảm gần 20% so với cùng kỳ.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.