Multimedia Đọc Báo in

Người dân Cuôr Đăng chung sức làm đường giao thông

06:47, 27/10/2020

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, những năm qua xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) đã huy động hiệu quả sức dân để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Ở buôn Koneh, ý thức rõ về lợi ích, hiệu quả của việc làm đường giao thông nên dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người dân trong buôn vẫn tích cực góp sức, góp tiền làm đường giao thông. Tính từ năm 2016 đến nay, bà con đã đóng góp hơn 700 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để bê tông hóa gần 3 km đường, với chiều rộng đường từ 3 - 3,5 m. Đặc biệt, người dân còn tự nguyện hiến hơn 1.800 m2 đất, chấp nhận tháo dỡ hàng trăm mét hàng rào, chặt bỏ cây cối để mở rộng, “uốn nắn” các đoạn đường cho thẳng đẹp. Đến nay, 92% tuyến đường trong buôn đã được bê tông hóa… 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện tham gia Lễ khởi công tuyến đường tại buôn Cuôr Đăng B.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện tham gia Lễ khởi công tuyến đường tại buôn Cuôr Đăng B.

Ông Lê Văn Hiển, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng buôn Koneh cho biết: “Buôn huy động kinh phí làm đường theo mét dài, đoạn đường rộng 3 m thì 125.000 đồng/m và đường rộng 3,5 m thì 130.000 đồng/m. Theo mức này, có hộ phải đóng đến hơn 20 triệu đồng, bình quân là 1,7 triệu đồng/hộ nhưng bà con vẫn sẵn sàng đóng góp. Khi các tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân còn đóng góp kinh phí lắp hệ thống điện thắp sáng vào ban đêm. Đến nay, trên 70% tuyến đường trong buôn đã được gắn đèn đường”.

100% trục đường chính xã, đường liên buôn trên địa bàn xã Cuôr Đăng đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 80% trục đường chính buôn, nội buôn được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới…

Không chỉ buôn Koneh, phong trào làm đường giao thông cũng phát triển mạnh ở các khu dân cư khác trên địa bàn. Xã Cuôr Đăng có 6 buôn, với 2.525 hộ, trong đó có hơn 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Bà H’Nuer Niê, Bí thư Đảng ủy xã Cuôr Đăng cho biết, khi mới triển khai, địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu được mình chính là chủ thể, từ đó chủ động và tự giác tham gia đóng góp, ủng hộ tiền mặt, ngày công lao động… Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép vào các cuộc họp, qua hệ thống loa truyền thanh; vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong công tác vận động, đóng góp... Nhờ đó, bà con dần hiểu được lợi ích, hiệu quả của việc làm đường giao thông nông thôn, từ đó đồng thuận đóng góp kinh phí, ngày công, tham gia giải phóng mặt bằng, hiến đất, chặt bỏ cây cối… để làm đường.

Một tuyến đường ở xã Cuôr Đăng được bê tông hóa.
Một tuyến đường ở xã Cuôr Đăng được bê tông hóa.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã đã nhanh chóng được nâng cấp, mở rộng và làm mới tạo nên diện mạo nông thôn mới ở địa phương. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay xã Cuôr Đăng đã huy động nhân dân đóng góp gần 4,2 tỷ đồng, hiến 4.250 m2 đất và hơn 600 ngày công lao động, cùng với hỗ trợ của Nhà nước làm được hơn 47,5 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, có 4 km đường nhựa, 8,6 km đường bê tông và 34,9 km đường cấp phối đá dăm…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.