Huyện Krông Pắc: Quyết liệt triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn tỉnh, huyện Krông Pắc đã tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020.
Nhiều nguồn thu đạt thấp
Theo Ban Chỉ đạo đôn đốc thu thuế và chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) huyện Krông Pắc (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 3452), tính đến thời điểm này, kết quả thu thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt và vượt dự toán đề ra, bằng 80% kế hoạch, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2019. Một số sắc thuế hoàn thành trên 70% so với dự toán năm như: thuế giá trị gia tăng (đạt 94%); thu cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 93%); 10/16 xã có số thu bằng và cao hơn mặt bằng chung của toàn huyện; hai xã hoàn thành và vượt dự toán cả năm 2020 (Ea Kênh và Ea Hiu)...
Mặc dù vậy, tổng thu nội địa toàn huyện trong 9 tháng chỉ khoảng 78 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán HĐND tỉnh giao, đạt 53,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có một số nguồn thu đạt thấp so với dự toán như: thuế trước bạ (gần 43,2%), thuế tiêu thụ đặc biệt (hơn 37%), thuế tài nguyên (gần 54,6%); thuế thu nhập doanh nghiệp (gần 52,5%), thu tiền sử dụng đất (hơn 19,4%)...
Cán bộ ngành thuế kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Lý giải nguyên nhân nhiều nguồn thu đạt thấp, ông Lê Đình Thế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Krông Pắc cho rằng, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội phát triển chậm và giá cả nông sản vẫn ở mức thấp, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm giảm nguồn thu NSNN trên địa bàn huyện. Đơn cử như: nguồn lệ phí trước bạ giảm khoảng 13 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh, không phát sinh doanh thu. Mặt khác, nợ thuế vẫn ở mức cao, việc xử lý nợ thuế còn chậm. Công tác chống thất thu ngân sách tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn...
Chủ động khai thác nguồn thu
Theo Ban Chỉ đạo 3452, từ đầu năm đến nay toàn huyện bị hụt thu so với dự toán đưa ra cuối năm 2019 là 30 tỷ đồng gồm: lệ phí trước bạ (13 tỷ đồng); thuế thu nhập doanh nghiệp (2 tỷ đồng); phí (15 tỷ đồng). Một số đề án chống thất thu chưa đạt hiệu quả như mong muốn như đề án chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh sầu riêng.
Để đạt số thu cao nhất có thể, chống thất thu NSNN, Ban Chỉ đạo 3452 huyện Krông Pắc đã yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh quản lý nợ, cưỡng chế nợ đối với người nợ thuế lớn có khả năng trả nợ; quyết liệt hơn trong việc đôn đốc, nhắc nhở thu thuế, thu nợ thuế; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thẩm định thuế các địa phương, gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là bí thư, chủ tịch UBND xã, thị trấn...
Phân phối hàng hóa tại một doanh nghiệp đầu mối hàng tạp hóa trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
“Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách mà HĐND tỉnh, HĐND huyện giao, ngành thuế cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp chống thất thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế"
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến.
|
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo 3452 cho biết, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu ngành thuế của huyện cũng như các đơn vị xã, thị trấn tiếp tục chủ động khai thác nguồn thu qua kê khai thuế, kiểm tra thuế, các hoạt động xây dựng cơ bản vãng lai trên địa bàn. Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước huyện, các tổ chức tín dụng, ngân hàng để làm thủ tục trích tiền thuế giá trị gia tăng đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản khi thanh toán vốn tại Kho bạc Nhà nước huyện; phối hợp với Ban Quản lý các dự án huyện để quản lý các doanh nghiệp xây dựng cơ bản vãng lai; phối hợp với Công an huyện, Đội Quản lý thị trường, Hạt Kiểm lâm xử lý các vi phạm về gian lận, trốn thuế nhằm chống thất thu ngân sách. Bên cạnh đó, huyện cũng ưu tiên nguồn lực để triển khai các biện pháp đột phá trong thu hồi nợ đọng thuế như rà soát, nhân rộng mô hình thu nợ hiệu quả ở các đơn vị; chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan vận động, thuyết phục người dân kịp thời thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước...
Lê Hương - Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc